Phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong tuyên truyền bảo vệ tài nguyên nước

Vân Khánh – Nam Anh|01/08/2023 08:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong những năm qua, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống với vai trò là cơ quan ngôn luận của TW Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã luôn đổi mới, sáng tạo và đa dạng các chương trình, bài viết góp phần phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước nói riêng và lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên - khoáng sản và nước sạch nói chung.

Vai trò quan trọng trong bảo vệ tài nguyên nước

Là nước có nền “văn minh lúa nước”, người dân Việt Nam từ xa xưa đã luôn coi trọng vai trò đặc biệt của nước trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong trồng lúa. Ngày nay, vai trò của nước càng đặc biệt quan trọng đối với sản xuất, đời sống. Bảo vệ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước là vấn đề thời sự cấp bách. Đặc biệt do tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nguồn nước bị ô nhiễm, tài nguyên nước trở nên khan hiếm. Vậy mà, nước lại thường bị mọi người coi là thứ nhiều vô tận, và chính vì vô tận nên bị coi là thứ rất rẻ mạt.

nuoc-16754987435161984553071.jpg
Tuyên truyền thay đổi nhận thức để bảo vệ tài nguyên nước là nhiệm vụ quan Tuyên truyền thay đổi nhận thức để bảo vệ tài nguyên nước là nhiệm vụ quan trọng mà các địa phương, các ngành và các cơ quan báo chí đang thực hiện

Làm sao để thay đổi nhận thức của cộng đồng, để số đông mọi người biết được rằng nước là có hạn, dễ bị cạn kiệt và ô nhiễm, cần phải được bảo vệ, được quản lý và được sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, đó chính là công tác tuyên truyền mà vai trò nòng cốt là các cơ quan báo chí.

Trong những năm qua, nhiều bộ, ngành và các cơ quan chức năng đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Về các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức: Nhiều lớp tập huấn đã được triển khai; nhiều cuộc thi tìm hiểu đã được phát động; nhiều tài liệu, sách báo, áp phích, tờ rơi… đã được in ấn và phân phát; nhiều chương trình phát thanh, truyền hình đã được lên sóng.

Về nội dung tuyên truyền giáo dục: Rất nhiều nội dung đã được phổ biến, từ vai trò của nước trong cuộc sống, trong sản xuất, trong nền kinh tế, rồi các văn bản pháp luật liên quan tới khai thác, sử dụng nước… cho đến những biện pháp tiết kiệm nước, chống ô nhiễm nguồn nước rồi sự cần thiết phải sử dụng nước sạch…

Tuy nhiên, nếu đặt mục tiêu làm sao để thay đổi nhận thức của mọi người (tức là làm sao để mọi người hiểu rằng nước không phải là vô tận, cứ vơi lại đầy, cứ hết lại có) thì công tác truyền thông, giáo dục hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác này chưa được cụ thể hóa bằng những nội dung chi tiết hơn, gần gũi hơn và sát thực hơn với người dân. Cũng chưa có những hình thức chuyển tải nội dung một cách hóm hỉnh, sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu, ví dụ như tiểu phẩm, tranh truyện, hay các hình thức sân khấu khác… Ngoài ra, các lớp tập huấn, những bộ tài liệu, những tập sách báo… thực sự có tác động mạnh mẽ tới đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên hay lực lượng học sinh, sinh viên, trong cộng đồng dân cư.

a1.jpg
Toàn cảnh buổi Tọa đàm trực tuyến “Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam

Cần phải phát huy hơn nữa thế mạnh của báo chí

Từ khi thành lập đến nay, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống với vai trò là cơ quan ngôn luận của TW Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, luôn bám sát tôn chỉ mục đích và định hướng của cơ quan chủ quản. Trong đó, Tạp chí đã tuyên truyền hiệu quả về tài nguyên nước; Đồng thời đã phối hợp hiệu quả để thông tin, truyền thông theo các hình thức đa dạng, phong phú về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tài nguyên nước. Các nội dung tập trung chủ yếu vào phổ biến pháp luật tài nguyên nước, nhất là các văn bản mới được ban hành; các vấn đề nóng được xã hội quan tâm; các sự kiện lớn của ngành như: Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo, Ngày Khí tượng thế giới,…

Cụ thể, trên các ấn phẩm Tạp chí in và điện tử, chuyên mục Nước và Cuộc sống đều xuất hiện ngay đầu ấn phẩm (trong ấn phẩm Tạp chí in) và trang chủ (trên Tạp chí điện tử). Thời gian qua, Tạp chí đã tích cực, tập trung tuyên truyền, đăng tải các bài viết liên quan đến Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các vụ việc liên quan đến tài nguyên nước; các tuyến bài, bài viết chuyên sâu theo chủ đề: Ô nhiễm nguồn nước, an ninh nguồn nước, những thách thức đối với tài nguyên nước trước tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nguồn nước bị ô nhiễm, vấn đề nước mặt, nước ngầm, giải pháp cho nước sạch nông thôn, nước thải làng nghề, nguồn nước bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Không dừng lại ở đó, Tạp chí đã tổ chức rất nhiều tọa đàm về nước như: Tọa đàm trực tuyến Ngày nước Thế giới năm 2023 "Thúc đẩy sự thay đổi”; Toạ đàm trực tuyến “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”; Tọa đàm trực tuyến “Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ”; Tọa đàm trực tuyến “Giải pháp khắc phục thiếu nước sinh hoạt tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam”; Tọa đàm: “Giải pháp nào cho nước sạch nông thôn”…

Nhìn chung, các bài viết được đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí và các chương trình mà Tạp chí tổ chức thực hiện đều nhận được nhiều ý kiến đánh giá, góp ý của các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, luật sư, bạn đọc nên đều có tính khách quan, đa chiều. Các vụ việc mà phóng viên của Tạp chí thực hiện luôn nhận được sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của ngành chức năng, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.

Với những thành công ấy, thời gian tới, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống càng vững tin và có thêm động lực để triển khai, thực hiện hiệu quả hơn nữa các kế hoạch trong việc tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên nước thông qua thực hiện các chuyên đề, phản ánh các vụ việc liên quan đến nguồn nước được dư luận quan tâm góp phần thành công trong công tác truyền thông đưa nước sạch đến với mọi người, mọi nhà, bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng như bài viết, video clip truyền hình, phát thanh…

Tạp chí tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức thực hiện các chương trình diễn đàn, hội thảo để lan tỏa thông điệp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước cho mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Thay đổi nhận thức để thay đổi thái độ đối với tài nguyên nước và từ đó để thay đổi hành vi khi sử dụng nước là khâu then chốt trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới nước. Vai trò của truyền thông, tuyên truyền, giáo dục là hết sức quan trọng. Nếu nội dung và hình thức tuyên truyền được lựa chọn sao cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, từng thời điểm thì hiệu quả của công tác này sẽ được nâng cao hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong tuyên truyền bảo vệ tài nguyên nước