Các siêu thị Việt Nam tiêu thụ 38 triệu túi nilon/năm
Theo Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, trung bình, số lượng túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị Việt Nam, hiện chiếm khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nilon/năm (trong đó 46/48 siêu thị đang cung cấp túi nilon miễn phí; trung bình, mỗi siêu thị tiêu thụ khoảng 1.454 túi nylon mỗi ngày).
Do đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, túi nilon sử dụng một lần đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.
Các siêu thị Việt Nam tiêu thụ 38 triệu túi nilon/năm
Để giải quyết vấn nạn này, ông Nguyễn Trung Thắng, phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chất thải nhựa.
Nước ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
“Từ năm 2026, sẽ thực hiện xử phạt các siêu thị, trung tâm thương mại cung cấp túi nylon dùng một lần cho khách hàng”, ông Nguyễn Trung Thắng cho biết.
Hệ lụy từ chi phí rẻ và sự tiện lợi
Việc gia tăng tình trạng sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong những năm qua đã khiến lượng rác thải nhựa không được quản lý và thải ra môi trường ngày càng lớn. Ở trong môi trường tự nhiên, nhựa cần vài trăm năm mới có thể phân hủy hết.
Thậm chí kể cả khi được thu gom, nhưng nhựa được chôn lấp không đúng cách hoặc đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, trong đó có dioxin và furan là những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa, và đặc biệt là có nguy cơ gây ung thư.
Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia thải ra nhiều rác thải nhựa đại dương nhiều nhất châu Á
Tuy nhiên, với “ưu điểm” như tiện lợi, chi phí rẻ, lại có thể sử dụng một cách đa năng như đựng thức ăn, làm màng bọc thực phẩm, túi đựng vật dụng… hiện nay túi nilon và nhiều sản phẩm nhựa dùng 1 lần khác đang là vật dụng ưa thích của các bà nội trợ.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì mỗi năm, người Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Đáng chú ý, chỉ có 17% trong số đó được tái sử dụng. Túi nilon chiếm ⅓ số lượng rác thải nhựa tại Việt Nam và Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia thải ra nhiều rác thải nhựa đại dương nhiều nhất châu Á.
Nếu cứ tiếp tục tiêu thụ sản phẩm túi nilon và nhựa dùng một lần như hiện nay thì con người sẽ đối diện với thảm họa “trắng” là ô nhiễm nhựa. Nhiều người gọi rác thải nhựa là tội phạm môi trường.
Trước thực trạng đó, loại túi nilon phân hủy sinh học xuất hiện gần đây thường được ca ngợi như “ngôi sao sáng” trong giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên, bản thân loại túi này có thật sự thân thiện với môi trường hay không thì vẫn còn đang gây tranh cãi.
Dưới tác động bức xạ UV của mặt trời, gió, nước, đất, độ ẩm không khí… những chiếc túi này mủn ra và tự vùi xuống ngay chân nó. Túi nhựa “tự hủy” đó tan rã kết cấu ra thành những vi hạt nhựa xâm nhập vào đất, nước rồi đi vào chuỗi thức ăn làm khả năng nhiễm độc cơ thể của “động vật” đứng cuối chuỗi thức ăn là con người càng kinh khủng hơn.
Những giải pháp căn cơ
Thực tế, đã có nhiều chương trình được tổ chức nhằm hạn chế sử dụng túi nilon để kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe.
Thế nhưng, nếu người bán hàng và người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng túi nilon vì tính tiện dụng thì mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường vẫn còn gặp nhiều thử thách. Điều quan trọng nhất để tạo nên một môi trường bền vững chính là sự thay đổi từ ý thức tiêu dùng của cả người bán và người mua.
Để có thể hạn chế và xa hơn là cấm sử dụng túi nilon (loại mỏng dùng một lần), trước hết phải xác định loại hình túi đựng hàng có thể thay thế túi nilon ít gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ đưa ra chính sách nhằm định hướng người bán lẻ cũng như người tiêu dùng chuyển từ sử dụng túi nilon sang loại túi đựng từ vật liệu thân thiện với môi trường hơn một cách tự nguyện hay bắt buộc.
Để có thể hạn chế và xa hơn là cấm sử dụng túi nilon, trước hết phải xác định loại hình túi đựng hàng có thể thay thế túi nilon ít gây ảnh hưởng xấu đến môi trường
Dựa vào kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cũng như trên thực tế có thể sử dụng một số loại túi đựng hàng thay thế túi nilon hiện đang có trên thị trường như: túi vải sử dụng nhiều lần, túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần…
Chương trình quản lý chất thải rắn theo mô hình 3T “Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế” cũng đã được thực hiện ở một số nơi như ở Hà Nội, TP.HCM, mục tiêu chung của chương trình không chỉ nhằm giảm sử dụng túi nilon mà còn tăng cường tái sử dụng và tái chế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền những năm qua được coi là mũi nhọn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bởi vậy, các cơ quan chức năng, các hiệp hội cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, bên cạnh việc tuyên truyền về tác hại của túi nilon trên báo đài hàng ngày, cần kết hợp lồng ghép vào trong các bài giảng cho học sinh, sinh viên; tổ chức các buổi thực tế tìm hiểu về tác hại của bao túi nilon tới môi trường sống; vận động cộng đồng, nhất là tại các chợ dân sinh kêu gọi người dân hạn chế sử dụng túi nilon, cân nhắc sử dụng đúng lúc, không lạm dụng túi nilon gây ảnh hưởng tới môi trường; vận động tiểu thương, hay khối ngành dịch vụ, nhà hàng, khách sạn,… hạn chế tối đa sử dụng nhựa một lần, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Vân Khánh