Siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt tại các vùng trọng điểm
Trước tình trạng khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng cấp IV và V đang bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm yêu cầu các địa phương siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt tại các vùng trọng điểm như Tây Nguyên, Nam Bộ và Tây Bắc.
Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, trước nguy cơ cháy rừng cao ở nhiều địa phương, đặc biệt như Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ, các địa phương cần khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách nhằm phòng cháy và ứng phó hiệu quả với cháy rừng.

Tính riêng trong ngày 14/4, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nâng số lượng khu vực cảnh báo nguy cơ cháy rừng lên tới 70 vùng, trong đó 35 vùng thuộc cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) và 35 vùng thuộc cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
70 vùng rừng được cảnh báo nguy cơ cháy đều là những khu vực nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài.
Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm Lâm, 35 vùng có nguy cơ cháy rừng cấp IV kéo dài từ các huyện Hớn Quản, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước); huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh); các huyện Côn Đảo, Long Điền, Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Đức Hòa, Bến Lức, thành phố Tân An (tỉnh Long An); huyện Châu Thành, Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp); các huyện Tịnh Biên, Chợ Mới, Châu Thành, Tri Tôn, Châu Phú, thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang); huyện Gò Công Đông, Tân Phước, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang); huyện Ba Tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre); các huyện Châu Thành, Giang Thành, thành phố Phú Quốc, thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang); huyện Duyên Hải, Châu Thành, Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh); huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau).
35 vùng được cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V cấp cực kỳ nguy hiểm bao gồm: các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Đồng Phú, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước); các huyện Bến Cầu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Tân Châu, thị xã Hòa Thành, thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh); các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai); các huyện Châu Đức, Đất Đỏ, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Kiên Hải, Kiên Lương, Hòn Đất, thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang); huyện Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn, Thới Bình (tỉnh Cà Mau); huyện Châu Thành, Long Phú, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng).
Liên tiếp trong những ngày gần đây, xảy ra các đám cháy ở nhiều nơi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Kiên Giang...
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ tăng nhanh, xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết, thời gian vừa qua, các tỉnh phía Bắc liên tục ghi nhận nhiều vụ cháy rừng, với nguyên nhân chủ yếu do lượng vật liệu cháy tăng cao sau cơn bão số 3 (Yagi – 2024). Bão số 3 khiến khoảng 180.000 ha rừng ở khu vực này đã bị thiệt hại, riêng Quảng Ninh có hơn 119.000 ha. Cơn bão đã để lại lượng lớn cây đổ, cành gãy, khiến nguy cơ bùng phát cháy rừng tăng mạnh.
Thêm vào đó, yếu tố thời tiết khắc nghiệt càng làm tăng nguy cơ cháy. Đợt khô hanh kéo dài vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 khiến nhiều diện tích rừng bị thiệt hại trên trở nên khô nỏ, hình thành các "kho vật liệu cháy" lớn, dễ bùng phát cháy khi gặp nguồn nhiệt.
Thực tế, một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang đã xảy ra cháy rừng trong thời gian gần đây. Các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và Lào Cai cũng được cảnh báo đang ở mức nguy cơ cháy rừng rất cao.
Không chỉ miền núi phía Bắc, tại Nam Bộ, nhiều địa phương cũng đã ghi nhận các vụ cháy rừng. Vì vậy, các tỉnh thành này cần tiếp tục tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm khuyến cáo người dân sinh sống gần rừng, người tham gia sản xuất lâm nghiệp và khách du lịch sinh thái cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, tuân thủ quy định về sử dụng lửa trong rừng và ven rừng.
Trong thời điểm cao điểm sắp tới, chính quyền các địa phương cần siết chặt việc kiểm tra, giám sát, triển khai hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt từ đầu năm. Đồng thời, khi bước vào mùa phát dọn thực bì để làm nương rẫy, người dân cần thực hiện đúng các quy trình an toàn về phòng cháy, chữa cháy, tránh để xảy ra cháy lan trên diện rộng.
Lực lượng chức năng được yêu cầu túc trực, tăng cường cảnh giác và sẵn sàng phương án ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy. Các địa phương cần đặc biệt chú ý kiểm soát hoạt động của khách du lịch tại các khu vực có cấp độ cháy cao (cấp IV và V), đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống cháy nổ, ông Đoàn Hoài Nam nhấn mạnh.
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cũng đề nghị các tỉnh thành thực hiện nghiêm Công điện số 36/CĐ-TTg Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ngày 13/4/2025. Các địa phương chủ động, quyết liệt hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, với tinh thần chủ động, kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra…
Cục sẽ tăng cường dự báo, cảnh báo, tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, duy trì dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng thông tin kịp thời cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án về phòng cháy, chữa cháy rừng, các phương tiện thông tin đại chúng để truyền thông và các kênh liên lạc chỉ đạo, điều hành. Đồng thời tăng cường kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra…
Hiện nay, nhiều tỉnh đang ở mức cảnh báo cháy rừng cấp V – cấp rất nguy hiểm – bao gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Cà Mau. Một số tỉnh khác ở mức cảnh báo cấp IV – cấp nguy hiểm gồm: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh.
Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, trong quý I/2025, cả nước đã xảy ra 70 vụ cháy rừng, tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích rừng bị thiệt hại là gần 49 ha.