Trồng cây xanh bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế gia đình
Để thực hiện tốt phong trào: “Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và các phong trào: “Mỗi phụ nữ một cây xanh”, “Mỗi cơ sở hội của công trình cây xanh”, phát huy kết quả trồng, chăm sóc hơn 43 km đường hoa trong mấy năm qua, để hướng tới xây dựng nông thôn văn minh, hội Phụ nữ Văn Lâm đã đặt ra tiêu chí cao hơn trong việc trồng cây như: Cây hoa đẹp hơn, tính bền vững lâu dài hơn và gắn với cảnh quan quy hoạch không gian ở mỗi khu dân cư. Từ nguồn kinh phí của hội và nguồn xã hội hóa, Hội Phụ nữ Văn Lâm đã lựa chọn 02 xã đạt nông thôn mới nâng cao là: Chỉ Đạo và Việt Hưng để trồng hơn 100 cây Osaka.
Tại xã Chỉ Đạo, cây Osaka được trồng ở xung quanh hồ thôn Nghĩa Lộ. Được sự quan tâm của Hội cấp trên, do đó chi hội phụ nữ thôn và nhân dân rất phấn khởi đảm nhận trồng và chăm sóc. Sau 1 năm, cây lên xanh tốt, khoảng 2 năm nữa khi cây ra hoa, sẽ góp phần tạo nên cảnh đẹp của làng quê nông thôn mới kiểu mẫu. Ở xã Việt Hưng cây Osaka được trồng ở đoạn trục trung tâm xã, cùng với cây Osaka là đường hoa tạo cảnh quan đẹp mắt của xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Từ hiệu quả trồng cây Osaka ở hai xã Chỉ Đạo và Việt Hưng, năm nay Hội Phụ nữ Văn Lâm tiếp tục trồng cây Osaka ở xã Lương Tài, trên tuyến đường vào thôn Nghi Lương. Hai năm qua, thực hiện kế hoạch trồng cây nhân dân của UBND huyện Văn Lâm, giai đoạn (2021- 2025), Hội Phụ nữ các cấp ở Văn Lâm đã tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên trồng được hơn 2.000 cây xanh, cây ăn quả, cây hoa các loại. Cùng với phong trào trồng cây, thực hiện sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Phụ nữ Văn Lâm đã tích cực triển khai mô hình vườn cây sinh kế, khởi nghiệp. Cụ thể, phụ nữ Văn Lâm đã phát triển được 11 vườn cây sinh kế ở 7 xã. Hiện nay, các vườn cây đang phát triển tốt hứa hẹn cho năng suất cao.
Đa dạng các mô hình, việc làm bảo vệ môi trường
Nhằm góp phần thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, Phụ nữ Văn Lâm xác định một trong ba khâu đột phá các hoạt động của hội đó là: “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, làm đẹp cảnh quan nông thôn, đô thị vì huyện Văn Lâm phát triển bền vững”.
Hội đã kết hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, tổ chức 11 lớp tập huấn, tuyên truyền cho hơn 1.600 cán bộ, hội viên thực hiện mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Qua tập huấn hướng dẫn việc xử lý rác thải, hội đã phát hơn 7.200 gói chế phẩm EM cho trên 3.600 hộ gia đình.
Chị Tôn Thị Tần, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chỉ Đạo cho biết: “Để việc phân loại xử lý rác thải hữu cơ đạt hiệu quả cao và tạo thuận lợi cho những hộ không có vườn, chúng tôi thực hiện mô hình 10 hộ liền kề, phân công một hội viên xử lý rác của 10 hộ. Qua việc sử dụng chế phẩm, chúng tôi thấy lượng rác thải giảm 70%. Mặt khác, để chủ động xử lý rác thải, được sự hướng dẫn của kỹ sư theo đề án của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, áp dụng công thức, chúng tôi đã tự chế được men vi sinh bản địa IMO, vừa xử lý rác thải không có mùi, vừa có nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng xanh tốt, sai quả và ít sâu bệnh”.
Để việc tạo chế phẩm vi sinh bản địa IMO đạt kết quả cao và nhân rộng toàn huyện, vừa qua, Hội Phụ nữ Văn Lâm tổ chức cho cán bộ hội phụ nữ cơ sở, tham quan mô hình tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Qua thực tế nhiều chị em tỏ ra việc tạo chế phẩm này không khó và cho biết sẽ làm tốt ở chi hội của mình.
Cho đến nay, ở 11/11 cơ sở Hội đều có nhiều cán bộ, hội viên thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Đến nay, toàn huyện có 16.535 hộ xử lý rác thải hữu cơ, góp phần đáng kể trong việc xử lý rác thải hữu cơ trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, ở nhiều thôn, việc thu tiền vận chuyển xử lý rác thải theo khẩu hoặc theo hộ, chứ không theo khối lượng của mỗi gia đình, do đó chưa khuyến khích được những chị em tích cực tham gia xử lý rác hữu cơ.
Nhằm đa dạng hóa hoạt động bảo vệ môi trường, phụ nữ Văn Lâm ra mắt mô hình câu lạc bộ: “Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần”. Điển hình cho mô hình này là ở xã Việt Hưng, mỗi thôn có một tổ gồm 5 đến 7 thành viên, hàng tháng thu gom rác thải nhựa từ các hộ trong thôn. Thời gian qua, các tổ đã thu gom được trên 500 kg túi nhựa các loại.
Chị Nguyễn Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đình Dù cho biết: “Từ năm 2020, phụ nữ xã đã thành lập câu lạc bộ hạn chế sử dụng túi nilon, đến nay câu lạc bộ có 60 thành viên tham gia. Hàng tháng họp với nhiều nội dung, trong đó nhất là giao nhiệm vụ cho chị em là nòng cốt tuyên truyền bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, như đi chợ mang làn, không dùng túi ni-lon để đựng hàng, đồng thời thu gom rác thải nhựa, bán lấy tiền tặng hộ nghèo. Từ hiệu quả mô hình này chúng tôi sẽ nhân rộng ra các thôn trong xã trong thời gian tới”.
Không chỉ có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường phụ nữ Văn Lâm còn ra mắt mô hình điểm: “Nhà sạch - vườn đẹp - ngõ sạch”, “Nhà sạch - ngõ sạch”, “Nhà sạch - vườn đẹp”. Thực hiện mô hình này, hiện nay có 78 hộ gia đình và 05 ngõ ở xã Chỉ Đạo tham gia. Nhiều gia đình nhận thấy đây là mô hình ý nghĩa không chỉ cho gia đình mình mà còn cho cả ngõ, cả xóm sạch, đẹp hướng tới xây dựng một nông thôn thực sự sạch, đẹp, văn minh.
Từ sự hoạt động tích cực của chị em phụ nữ, đồng chí Nguyễn Trần Cung, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trịnh Xá cho biết: “Mô hình nhà sạch, ngõ sạch, vườn đẹp của chị em phụ nữ đã tác động rất nhiều trong việc nêu cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người, của mỗi gia đình. Qua thời gian thực hiện, thấy các ngõ các gia đình đăng ký đã duy trì tốt, góp phần lan tỏa ra các ngõ khác trong thôn, trong xã, tôi thấy mô hình này cần được nhân rộng”.
Nói về phương hướng trong thời gian tới đồng chí Lê Thị Hồng Nhung, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện cho biết: Để tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND, ngày 18/01/2022 của UBND huyện Văn Lâm về “Trồng cây nhân dân huyện Văn Lâm giai đoạn 2021-2025” cũng như thực hiện có hiệu quả khâu đột phá thực hiện Nghị quyết của các cấp Hội về “Nâng cao hiệu quả các hoạt động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp với Phòng Tài Nguyên & Môi trường về tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện. Các cấp Hội LHPN toàn huyện phát động "Mỗi phụ nữ - một cây xanh", "Mỗi cơ sở Hội - một công trình cây xanh", đã ra quân trồng 2.450 cây xanh, cây bóng mát, các loại cây ăn quả. Mục tiêu Hội phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 5.000 cây xanh các loại.