Thời gian qua, báo chí đã đăng tải nhiều vụ việc đề cập tới (gọi là nước sạch nhưng không sạch) xảy ra tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cả Đà Nẵng.
Nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người, nhất là trẻ nhỏ – thế hệ tương lai của đất nước.
Trong một phát biểu các đây 2 năm, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi: Từ bao giờ hàng xóm láng giềng, những người đồng chí của nhau… lại sẵn sàng đầu độc nhau để thu về những cái lợi từ mớ rau, cân thịt?
Ông Quốc chia sẻ rằng vào những năm 1945 ngay cả khi có đến ngót hai triệu người chết đói nhưng không có tình trạng chém giết nhau vì miếng ăn.
Trong một xã hội còn chậm phát triển về kinh tế, nhưng quan hệ xã hội lại dựa trên những truyền thống bền vững về đạo đức, trong dòng tộc, gia đình, làng xã và cộng đồng khiến cho con người trong cơn hoạn nạn vì đói kém lại có nhiều hơn sự chia sẻ, thương cảm, cứu giúp đùm bọc lẫn nhau đều đã đi vào thành ngữ dân gian “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”…
Đó chính là cái cốt lõi của một phẩm chất cũng là một sức mạnh của dân tộc Việt Nam ta trên trường dựng nước và cứu nước. Đó là “tình đồng bào” vừa mang ý nghĩa nhân văn lại vừa mang giá trị cách mạng.
Vậy thì khi nhìn nhận hiện tượng “thực phẩm bẩn” hay mất an toàn thực phẩm, vấn đề cốt lõi của nó chính là sự băng hoại về đạo đức cũng là sự hủy hoại một trong những giá trị quan trọng nhất mà tổ tiên, ông cha chúng ta đã gây dựng, gìn giữ và phát huy.
Người viết sử đời nay chỉ cần kể lại cái hiện tượng khá phổ biến là nhà nhà “trồng rau hai luống”,”nuôi lợn hai chuồng” thì người sau này đọc sử chắc phải rùng mình khi nghĩ về cái thời ta đang sống?
Nhắc lại phát biểu ấy của ông Dương Trung Quốc để thấy rằng, vấn đề mất an toàn thực phẩm, trong đó có vấn đề nước sinh hoạt của hàng triệu người dân từ thành phố đến nông thôn vẫn đang là chủ đề thời sự cần phải đặt ra để tìm hướng giải quyết.
Người dân trả tiền để mua nước sạch nhưng thực tế thì ở nhiều khu vực dân phải cắn răng dùng nước bẩn, trong khi các cơ quan quản lý chưa có biện pháp nào đủ mạnh để ngăn chặn.
Người dân sống tại ngõ 26 phố Tư Đình, phường Long Biên, Hà Nội khốn khổ vì nước bẩn. Nước ở khu vực này được cung cấp từ Nhà máy nước sạch số 2
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp phát hiện ung thư. Một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân. (1)
Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ nguồn cấp nước thô được nhiều nhà máy lấy vào có đảm bảo an toàn không?
Sau khi đưa nước thô vào, quy trình xử lý thực hiện ra sao để loại bỏ hoàn toàn tạp chất, kim loại nặng, vi khuẩn ecoli, thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo nước thực sự sạch?
Chỉ cần vài ngày là các thiết bị trong phòng tắm sẽ bám bẩn như thế này. Tình trạng này xảy ra nhiều năm nay, không biết lãnh đạo Thành phố Hà Nội có biết không, đã có chỉ đạo kiểm tra quy trình lọc và cung cấp nước của Nhà máy nước sạch số 2 chưa?
Trên thực tế, nước sông hồ bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân: Xả thải công nghiệp, chất thải từ nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), chất thải sinh hoạt… Kết quả quan trắc của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) hai năm 2017 – 2018 cho thấy, ô nhiễm vi sinh nước sông Đồng Nai – nguồn cấp nước chính cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, thường xuyên vượt mức quy chuẩn cho phép hơn 100 lần, có lúc E.Coli vượt tới 1.275 lần. Các chỉ tiêu sắt, mangan với nước sông Đồng Nai và Sài Gòn cho mục đích cấp nước sinh hoạt đều vượt quy chuẩn cho phép, tùy thời điểm, từ 1 đến 9 lần. (2)
Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng, E.Coli là khuẩn gây tiêu chảy, đồng thời nếu nước chứa hàm lượng sắt và mangan quá cao sẽ gây khó tiêu, giảm hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, đặc biệt không có lợi đối với trẻ em.
Các kim loại nặng trong nước ô nhiễm như crom sẽ gây viêm da, u nhọt, hay những chất ô nhiễm như hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh hay hợp chất gây rối loạn nội tiết tố cũng rất độc hại.
Nhiều cơ quan chức năng đã cảnh báo về sự nguy hiểm của nước giếng khoan bị ô nhiễm có chứa nhiều chất gây ung thư.
Theo kết quả giám sát 8 tháng đầu năm 2016 công bố từ Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, chất lượng nước ngầm trên địa bàn thành phố, đặc biệt mẫu nước giếng từ các hộ dân hầu như có độ pH thấp, tỷ lệ mẫu không đạt là 41,62% (82/197 mẫu không đạt).
Hàm lượng amoni trong nước giếng cao vượt giới hạn cho phép, cho thấy đã bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ (nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi…).
Amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành nitrat và nitrit. Nitrat và nitrit khi vào cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nên hiện tượng methemoglobin (thiếu oxy trong máu), đặc biệt là khi kết hợp với các axit amin trong cơ thể còn tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.
Ngoài ra độ pH thấp làm tăng tính axit trong nước, làm ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa và tích lũy các ion kim loại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm mau hỏng vải, quần áo khi giặt… Mặt khác, pH thấp còn gây ngứa khi tắm gội, gây hỏng men răng, và có thể tạo điều kiện xuất hiện các bệnh ngoài da. (3).
Thống kê của Bộ Y tế năm 2017 cũng cho thấy, cả nước có 17 triệu người dân sử dụng nước bị nhiễm asen do dùng nước từ giếng khoan chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cả nước có hơn 4 triệu giếng khoan, trong đó nhiều giếng có nồng độ asen cao hơn 20-50 lần giới hạn cho phép (0,01mg/l).
Các chuyên gia khuyến cáo, để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật, trong đó có ung thư, các gia đình phải sử dụng nguồn nước sạch và để giải quyết triệt để vấn đề này cần phải có sự chỉ đạo ở tầm Chính phủ yêu cầu một cuộc tổng rà soát trên toàn quốc, thậm chí Quốc hội phải đưa vào chương trình nghị sự để tiến hành giám sát, vì sức khỏe của gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Theo Giáo Dục Việt Nam