Tác động kênh đào Funan Techo với ĐBSCL - Một số quan điểm từ các chuyên gia, nhà khoa học (Bài 2)

Mai Dung - Lam Trinh|23/05/2024 20:54

Chưa có số liệu đầy đủ, nhất là trong mục đích sử dụng nước nên việc tính toán tác động xuyên biên giới đến Việt Nam vẫn chưa chuẩn xác tuyệt đối là ý kiến của đại đa số các chuyên gia khi được hỏi về tác động của kênh đào Funan Techo với Đồng bằng sông Cửu Long.

Lưu vực sông Mê Kông có diện tích khoảng 795.000 km², chảy qua địa phận của 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam với chiều dài dòng chính là 4.800 km, tổng lượng dòng chảy hàng năm vào khoảng 475 tỷ m³. Sông Mê Kông xếp thứ 21 trên thế giới về diện tích lưu vực, thứ 12 về chiều dài và thứ 8 về tổng lượng dòng chảy.

Ngày 8/8/2023, Campuchia gửi thông báo cho Ban thư kí Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) về Dự án đường thủy nội địa Funan Techo. Dự kiến Dự án sẽ được khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027 với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này là 7 triệu tấn/năm.

Dự án dự kiến sẽ nâng cấp và cải tạo 180km tuyến kênh/sông, bao gồm: (i) Đoạn thứ nhất (chiều dài khoảng 20km) nối sông Mê Công với sông Bassac; (ii) Đoạn thứ 2 tiếp tục chạy dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối với kênh giao thông thủy từ sông Bassac ra cảng Kẹp (chiều dài khoảng 30km); và (iii) Đoạn thứ ba dài 130km nối sông Bassac (tại điểm cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 20km) với cảng Kẹp của Campuchia.

Theo thông báo của phía Campuchia, các đoạn kênh này được thiết kế với kích thước đủ lớn (bề rộng đáy kênh 50m, bề rộng mặt kênh từ 80-120m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7m) để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua.

Dự án sẽ xây dựng 3 cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Các cống này có chiều dài 135m, chiều rộng 18m, độ sâu 5,8m. Bên cạnh các hạng mục công trình trên, Dự án cũng tiến hành xây dựng 11 chiếc cầu giao thông (dài 161m, rộng 12m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống  - Moitruong.net.vn các chuyên gia, nhà khoa học, đã đưa ra nhiều kiến nghị trước mắt và lâu dài nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết:

ong-dao-trong-tu.jpg
PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam

Dự án kênh đào Funan Techo là công trình tác động can thiệp vào dòng nhánh chính của sông Mê Công. Trong đó là Campuchia đã thực hiện thông báo cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế vào tháng 8/8/2023 về dự án này, còn hiện nay đánh giá tác động như thế nào đó là một vấn đề cần phải làm rõ.
Theo Hiệp định, thứ nhất Ủy hội sông Mê Công quốc tế cần phải tổ chức nghiên cứu dự án này cho rõ ràng, Ủy hội sông Mê Công quốc tế cùng với 4 nước thành viên nghiên cứu công trình này tác động như thế nào đến dòng chính sông Mê Kông.

Thứ hai, là sự hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia để đưa ra đánh giá và vấn đề hài hòa lợi ích các quốc gia trong khuôn khổ Hiệp định phát triển bền vững sông Mê Công. Hai bên phải hợp tác với nhau để giảm thiểu tác động, nếu tác động tiêu cực thì để giảm thiểu, nếu tác động ít thì thích nghi như thế nào để thích ứng với sự phát triển?. Các quốc gia phải cùng với nhau thông qua Ủy hội sông Mê Kông quốc tế để nghiên cứu.

Việt Nam cũng phải chủ động nghiên cứu đối với dự án này. Nghiên cứu chủ động đưa ra các giải pháp, mô hình, tính toán các kịch bản làm kênh đào lấy bao nhiêu nước, câu chuyện đó phải rõ ràng.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam cho rằng:

gs.ts-vu-trong-hong(1).jpg
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam

Những giải thích của phía Campuchia về dự án kênh đào Funan Techo là hợp lý bởi Campuchia là nước chủ yếu sản xuất nông nghiệp sau đó mới đến đường vận chuyển hàng hóa ra vào nước này từ phía biển.

"Tôi cho rằng chúng ta nên tôn trọng quyền lợi của Campuchia và hai bên nên tiến hành trao đổi bàn bạc về việc chia sẻ quyền lợi. Còn việc một cái kênh đào đi qua một dòng sông thì nước nào cũng có cả nhưng ở đây đặc điểm là cái kênh đào Funan Techo lại đi qua con sông Bassac mà sang Việt Nam là sông Hậu thì mới là vấn đề. Vì thế tôi nghĩ rằng phía Việt Nam mình nên tính toán và sang bàn với họ. Là khi họ cần chuyển nước vận tải thủy thì ở phía Việt Nam và phía Campuchia nên làm cửa âu, cửa cống để khi tàu thuyền đi qua đóng cửa âu phía Việt Nam lại, tàu thuyền không đi qua thì lại mở ra để dòng chảy tiếp tục xuôi về hạ nguồn là về phía Việt Nam", GS.TS Vũ Trọng Hồng nêu quan điểm.

Theo chuyên gia hàng đầu về thủy lợi này thì trong bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam bắt buộc phải có chiến lược tổng thể, lâu dài và liên quan đến tất cả các nguồn nước của các lưu vực sông bên ngoài Việt Nam. Như vậy khi xảy ra vấn đề thì chúng ta mới có thể ứng phó.

“Trước tiên là vấn đề quy hoạch. Theo tôi, phải quy hoạch vùng ĐBSCL trong điều kiện thiếu nước ngọt. Thiếu nước vì tự nhiên tức là thi thoảng lại bị El-nino làm cho khô hạn mà xu thế El-nino ngày càng nhiều hơn và bị ảnh hưởng của nước biển dâng và bây giờ lại thêm kênh Funan Techo thì chúng ta phải nghĩ đến tình huống nước biển dâng 100 năm sau để cho người dân ĐBSCL vẫn sống và canh tác được. Đây là 2 mục tiêu chúng ta đều phải làm 1 lúc, chứ không phải vì vấn đề kênh Funan Techo mà chúng ta làm, đến lúc mà ĐBSCL 100 năm sau nước biển dâng vào chúng ta lại làm quy hoạch nữa là không kịp. Tôi muốn góp ý như vậy", GS.TS Vũ Trọng Hồng chia sẻ.

TS. Nguyễn Văn Nghĩa - Giảng viên khoa Công trình, Trường Đại học Thủy lợi:

ts-nguyen-van-nghia.jpg
TS. Nguyễn Văn Nghĩa - Giảng viên khoa Công trình, Trường Đại học Thủy lợi

Sự xuất hiện của dự án kênh đào Funan Techno của Campuchia, với các tác động ở mức độ khác nhau đến vùng trọng điểm về sản xuất lương thực và thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, ngoài các vấn đề về ngoại giao chúng ta cần phải xem xét và đưa ra các giải pháp (công trình và phi công trình) ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đến Việt Nam.

Đối với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: Cần tiếp tục trao đổi với phía Campuchia thông qua Ủy ban sông Mê Công để có được các thông tin của dự án, kêu gọi các nhà khoa học cùng vào cuộc để nghiên cứu và đánh giá mức độ tác động của dự án đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Về điều chỉnh quy hoạch: Việt Nam đã xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để ứng phó với hiện tượng suy giảm phù sa, xâm nhập mặn, xói lở,...Tuy nhiên, khi dự án kênh đào Funan Techno đi vào vận hành cần đánh giá và rà soát lại, đặc biệt xem xét đến các giải pháp công trình và phi công trình để giảm thiểu các vấn đề tiêu cực do dự án trên gây ra. Ví dụ như: Xây dựng hệ thống đê, cống ngăn mặn, các đập dâng nước (dạng cửa van để trữ nước trong mùa kiệt và mở hoàn toàn tháo lũ trong mùa lũ), thay đổi cơ cấu cây trồng, bổ sung nguồn nước ngọt,…

Bà Nguyễn Thị Phương Lâm, chuyên gia tài nguyên nước - Hội tưới tiêu Việt Nam:

ba-phuong-lam-2(1).jpg
Bà Nguyễn Thị Phương Lâm, chuyên gia tài nguyên nước - Hội tưới tiêu Việt Nam

Ở đây có 2 cấp, thứ nhất về trách nhiệm của cả một quốc gia trong Hiệp định Mê Công 1995 cùng hợp tác với nhau. Thứ hai, đối với Việt Nam, ngoài việc Campuchia cung cấp các thông tin cụ thể, mình cần chủ động nghiên cứu. Chắc chắn sẽ có tác động, còn tác động ở mức độ nào, tác động về mặt thủy, tác động về mặt dòng chảy, tác động về mặt thủy sản, rồi các vấn đề về an ninh quốc phòng khác chúng ta cần phải nghiên cứu một cách cẩn trọng. Về phía Việt Nam cần phải chủ động, đề nghị Nhà nước cần có ưu tiên nghiên cứu về vấn đề này. Giữa nghiên cứu của Việt Nam và nghiên cứu của Campuchia cần có hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau. Bây giờ công nghệ có trong tay, mô hình có trong tay, chúng ta cần có thông tin minh bạch cụ thể nữa, sự hợp tác này chúng ta phải chủ động.

Chúng ta nghiên cứu dự báo mức độ tác động của nó như thế nào, giám sát dòng chảy, có thể giám sát thông tin về luồng cá, lượng nước về ĐBSCL như thế nào? Có thể bây giờ Việt Nam sẽ có những nghiên cứu trước khi chưa có kênh đào, bây giờ chúng ta có thể đặt những trạm nghiên cứu, ví dụ về lượng phù sa, và khi sau này xây dựng xong kênh rồi mình có kết quả về lượng cá dịch chuyển nó sẽ tác động như thế nào. Cần phải có những nghiên cứu, dự báo trước về những tác động vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích sinh kế của người dân.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, những thông tin Việt Nam có được cho đến thời điểm này về dự án kênh đào Funan Techo chưa đủ để có thể đánh giá đầy đủ tác động của dự án.

“Chúng tôi mong muốn Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mê Công, chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án và tiến hành đánh giá chi tiết các tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong, cũng như các biện pháp quản lý trung và dài hạn để bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia ven sông, quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên nước sông Mekong”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác động kênh đào Funan Techo với ĐBSCL - Một số quan điểm từ các chuyên gia, nhà khoa học (Bài 2)