Tạo đột phá về xuất khẩu nông sản ở thị trường Trung Quốc

An Nhiên (T/h)|24/08/2018 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Thị trường lớn, khó khăn nhiều

Theo đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đang được coi là hướng khả thi để đẩy mạnh xuất khẩu các tháng cuối năm. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy để đột phá được ở thị trường sát vách với Việt Nam không phải là việc dễ dàng.

Trung Quốc đã sản xuất được một số loại quả mà Việt Nam có thế mạnh

Tại hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức mới đây, ông Lý Vinh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong các tháng đầu năm 2018, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã làm thủ tục xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 60.000 tấn vải tươi, 10.000 tấn vải khô, 300.000 tấn thanh long, 200.000 tấn xoài… Khối lượng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc cao gấp 8 lần khối lượng nông sản của Trung Quốc xuất vào Việt Nam qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc có nhu cầu nông sản cao trong khi hai nước Việt Nam – Trung Quốc có chung đường biên giới nên việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng nông sản có đặc tính thời vụ. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN (ACFTA) cũng như các cam kết quốc tế khác của Trung Quốc đã và đang tạo thuận lợi cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường này.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cũng lưu ý, cùng với việc chuyên nghiệp hoá hoạt động xuất nhập khẩu thì tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Lấy ví dụ với mặt hàng rau quả, nếu như trong 2 năm 2016 – 2017 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang Trung Quốc luôn đạt ở mức trên 40%, thì tới 7 tháng năm nay chỉ còn dưới 20%.

Theo đó, chỉ có 22 DN trong tổng số hơn 150 DN có giấy phép xuất khẩu gạo của Việt Nam được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sau khi thanh tra thực tế tại Việt Nam. Đến đầu năm 2018, có 3/22 DN trên bị Trung Quốc rút giấy phép do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật.

Không chỉ riêng ngành gạo, với các loại nông sản thực phẩm khác như trái cây, hạt điều, thủy sản… Trung Quốc cũng đang quản lý nhập khẩu ngày càng chính quy, tương tự như các nước Mỹ, châu Âu đang áp dụng. Việc siết chặt chính sách nhập khẩu nông sản không chỉ được áp dụng với riêng Việt Nam.

Chuyên nghiệp hoá hoạt động xuất khẩu

Cùng với việc đối diện với chính sách siết chặt quản lý nhập khẩu, các chuyên gia nhận định sự giảm tốc của nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn do gặp cạnh tranh gay gắt với các nước có nguồn cung tương tự như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia… Bởi từ 1/7, Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu xuống còn 0% đối với một số nông sản quan trọng nhập khẩu từ 5 quốc gia là Bangladesh, Ấn Độ, Lào, Hàn Quốc và Sri Lanka như một phần của Hiệp định Thương mại châu Á – Thái Bình Dương.

Thậm chí cạnh tranh còn đến từ nguồn cung nội địa của Trung Quốc vì hiện phía bạn cũng đã sản xuất một số loại trái cây như thanh long, chuối, dưa hấu. Một số loại nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh lại chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu như măng cụt, sầu riêng, chanh leo, heo sống, sản phẩm sữa, cá đồng, nghêu… Với xu hướng quản lý hiện nay của phía bạn, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam vào thị trường này sẽ chịu rào cản chất lượng cao hơn và sức ép cạnh tranh cao hơn từ các nước trong khu vực ASEAN.

Chính vì vậy, cùng với việc mở rộng mặt hàng kinh doanh xuất nhập khẩu có thế mạnh, DN Việt Nam cần chủ động liên kết với DN Trung Quốc để ký hợp đồng xuất nhập khẩu dài hạn, xây dựng kế hoạch xuất nhập khẩu ổn định; phát triển hệ thống phân phối trên thị trường Trung Quốc, thâm nhập kênh phân phối bán buôn thông qua việc thiết lập công ty liên doanh với DN Trung Quốc.

An Nhiên (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tạo đột phá về xuất khẩu nông sản ở thị trường Trung Quốc