Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, ông Trần Phong – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, ông Phạm Văn Lương – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cùng cán bộ phòng ban chuyên môn của Sở và cán bộ phóng viên, biên tập viên của Tạp chí.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Tạp chí Môi trường và Cuộc sống với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, Ảnh: Minh Tâm
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, Quảng Bình là một trong những địa phương có lợi thế về du lịch, tài nguyên khoáng sản. Chính vì vậy, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống mong muốn tạo sự gắn kết trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đồng thời giúp các phóng viên địa bàn nắm bắt kịp thời thông tin để tuyên truyền và định hướng các chủ trương đường lối cũng như công tác bảo vệ môi trường được tốt nhất trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ông Trần Phong – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình chia sẻ, UBND tỉnh Quảng Bình xác định lấy phát triển du lịch làm trọng tâm, do đó lấy công tác bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh luôn chú trọng.
Nhà báo Nguyễn Văn Toàn – Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống (thứ 3 từ trái qua) tặng ông Trần Phong – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình (thứ 4 từ trái qua) cuốn tạp chí Kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6
Cũng tại buổi làm việc, ông Phan Xuân Hào – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường chia sẻ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 7 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp và trên 80% các đơn vị (làng nghề và doanh nghiệp) đều được kiểm soát về việc xử lý nước thải và chất thải theo đúng quy chuẩn. Đặc biệt là công tác đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp đều được chú trọng. Tất cả các huyện đều có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất. Đặc biệt, vừa qua tỉnh đã đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý nước thải theo quy chuẩn công nghệ của Đức với công suất 500m3/ngày.
Theo trao đổi, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Quảng Bình hiện nay chủ yếu là khai thác Titan, các mỏ đá và cát sỏi. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn vẫn còn một số các trường hợp khai thác cát sỏi lậu. Và trong công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn gặp một số khó khăn, cụ thể như:
Thứ nhất, Quảng Bình là một tỉnh miền Trung giáp biển nên hàng năm hứng chịu các đợt thiên tai, bão lũ gây khó khăn trong việc phát triển kinh tế cũng như du lịch.
Thứ hai, khoảng cách địa lý giữa các địa phương còn khá xa nên công tác tuyên truyền còn nhiều khó khăn cũng như việc khắc phục các sự cố còn hạn chế.
Thứ ba, các hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều hạn chế với đặc thù phát triển của địa phương.
Thứ tư, việc thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh chưa được đồng bộ và chưa có nhiều điều kiện phát triển so với nhiều địa phương khác trên cả nước.
Đoàn công tác Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo và các phòng chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình
Kết thúc buổi làm việc, ông Trần Phong khẳng định, việc phát triển kinh tế của địa phương phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng công tác nâng cao công nghệ xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn.
Ngoài ra, ông Trần Phong cũng khẳng định, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình luôn xác định về việc cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Thu Hà