Tập huấn bảo vệ, bảo tồn phục hồi rạn san hô ở vịnh Nha Trang

Lan Hạ|10/01/2024 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhằm tăng cường sự hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức tập huấn công tác bảo vệ, bảo tồn, phục hồi san hô và rạn san hô cho người dân tại các đảo ở phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang.

Sáng 9/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp với UBND phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang), Ban Quản lý vịnh Nha Trang, Chi nhánh ven biển Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga tổ chức lớp tập huấn bảo vệ, bảo tồn, phục hồi san hô và rạn san hô Hòn Mun và vịnh Nha Trang; gắn kết cộng đồng trong bảo vệ và bảo tồn rạn san hô ở địa phương cho hội viên phụ nữ. Hơn 40 hội viên phụ nữ và người dân tại các đảo của phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang đã tham gia lớp tập huấn.

10-san-ho.jpg
Hoạt động vớt rác, bảo vệ san hô dưới đáy vịnh Nha Trang

Đây là hoạt động nhằm triển khai Quyết định 3028 ngày 7/1/2023 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 và thực hiện dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bảo vệ khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang".

Tại lớp tập huấn, người dân đã nghe các báo cáo viên thông tin những nội dung như tìm hiểu về san hô, tình trạng rạn san hô trong vịnh Nha Trang, việc khai thác san hô quá mức, các giải pháp để bảo tồn và phục hồi rạn san hô. Bên cạnh đó, là các hoạt động hỗ trợ sinh kế gắn kết cộng đồng địa phương với bảo tồn đa dạng sinh học trong dự án thí điểm khu bảo tồn biển Hòn Mun, dự án tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân nghèo ven vịnh từ nguồn lợi rong mơ… Lớp tập huấn nhằm tăng cường sự hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang.

Vịnh Nha Trang là danh lam thắng cảnh quốc gia, chứa đựng các giá trị toàn cầu và quốc gia khi được xếp vào khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam và là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia phải được bảo vệ hiệu quả. Hiện nay không chỉ có rạn san hô tại vùng biển Hòn Mun mà san hô ở nhiều khu vực khác trong vịnh Nha Trang đều bị hư hại rất nhiều. Ở nhiều địa điểm, san hô suy giảm 70-80% so với kết quả khảo sát từ năm 2015. Theo báo cáo của Ban Quản lý vịnh Nha Trang, san hô bị suy giảm do tác động của cơn bão số 12 (năm 2017) và ảnh hưởng của cơn bão số 9 (năm 2021), sự bùng nổ sao biển gai trong 2 năm 2018-2019; rạn san hô bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng cao vào năm 2019 và do ô nhiễm môi trường nước bởi tác động của con người...

Trước biểu hiện suy thoái của môi trường vịnh Nha Trang cần được chung tay bảo vệ, ngày 21/6/2022, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Thông báo số 347-TB/TU yêu cầu phải giữ gìn và phục hồi vịnh Nha Trang, bao gồm rạn san hô trong khu vực biển Hòn Mun và xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài của tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, ngày 7/11/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định 3028/KH-UBND về việc ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Do đó, kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 với 16 nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, thiết thực với hiện trạng vịnh Nha Trang và khu bảo tồn biển Hòn Mun cùng các điều kiện để thực hiện. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu, để phục hồi san hô đã bị suy thoái ở Hòn Mun và vịnh Nha Trang, cơ quan hữu quan sẽ khảo sát, đánh giá nhanh rạn san hô tại các địa điểm du lịch lặn biển quanh đảo Hòn Mun, các vùng lõi khác trong vịnh để xác định mức độ và nguyên nhân suy thoái.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia, báo cáo viên phổ biến các kiến thức về cách phân biệt các loài thú biển; giám sát và bảo tồn rạn san hô Hòn Mun; môi trường sinh sống, hình thức sinh sản của san hô; tầm quan trọng, các mối nguy hại tới san hô… Đồng thời, hướng dẫn về phương pháp giám sát sự sinh trưởng của san hô; những hành động thiết thực của mỗi cá nhân trong bảo vệ san hô (không vứt rác thải, xả nước thải xuống biển; không vứt các loại lưới đánh bắt cá xuống biển làm mắc vào các rạn sạn hô; không neo đậu tàu thuyền trực tiếp trên các rạn san hô; báo cáo với các cơ quan chức năng khi phát hiện tình trạng mua bán, xâm hại san hô…); biện pháp sơ cứu, tái thả tại chỗ khi thú biển mắc cạn, dạt bờ; biện pháp phục hồi, nuôi dưỡng lâu dài khi các loài thú biển bị thương nặng…

Buổi tập huấn nhằm tuyên truyền, huy động sự tham gia của cộng đồng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ các cấp trong việc bảo vệ môi trường, nhất là việc bảo tồn rạn san hô Hòn Mun. Đây là một trong nhiều hoạt động nằm trong kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập huấn bảo vệ, bảo tồn phục hồi rạn san hô ở vịnh Nha Trang