Trước tình hình ô nhiễm môi trường không khí (ÔNMTKK) kéo dài nhiều ngày, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã làm rõ các nguyên nhân chính gây ÔNMTKK trên địa bàn và có các giải pháp kiểm soát. Theo đó, một phần ÔNMTKK do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt. Các nước trong khu vực cũng đã xuất hiện các đợt ÔNMTKK trong thời gian qua do nguyên nhân này.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính được các chuyên gia nhìn nhận là do các yếu tố chủ quan. Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (TN và MT), Sở TN và MT TP Hồ Chí Minh cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, giao thông chiếm khoảng 50% nguyên nhân, 30% từ các hoạt động công nghiệp, còn lại do các hoạt động xây dựng. Thành phố hiện có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông, chưa kể hai triệu phương tiện vãng lai, cộng với khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông đã gây ÔNMTKK.
Hà Nội trải qua khoảng thời gian dài ô nhiễm không khí ở mức nguy hại. Ảnh: Quang Vinh
Từ việc xác định các nguồn gây ÔNMTKK, các giải pháp cấp bách và lâu dài đã được đề ra. Ðể có đủ thông tin đánh giá chính xác tình trạng ÔNMTKK làm cơ sở cho các giải pháp khắc phục, Bộ trưởng TN và MT Trần Hồng Hà đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí ngay nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống các trạm quan trắc môi trường. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở TN và MT chuẩn bị địa điểm để lắp đặt thêm từ 50 đến 70 trạm quan trắc cố định và trên cao. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN và MT TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, Sở sẽ đưa vào vận hành thử sáu trạm quan trắc tự động; đến cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ vận hành thêm 50 trạm quan trắc. Các trạm quan trắc này sẽ dần thay thế các trạm quan trắc thủ công hiện nay nhằm đưa ra thông số nhanh nhất về môi trường.
Trước tình trạng ÔNMTKK gia tăng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống người dân, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang triển khai hàng loạt giải pháp, như quản lý hoạt động vận tải theo hướng phát thải thấp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các hoạt động thi công, giao thông vận tải.
Trong khi đó, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã giao Công an TP Hà Nội chủ trì cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, rác thải xây dựng không đúng quy định, để rơi vãi ra đường. Ðồng thời thực hiện tưới nước, rửa đường với việc cải tiến đầu phun cho phù hợp và đạt hiệu quả cao hơn. Các công ty thu gom rác cần có biện pháp, tính toán khoa học, bảo đảm sạch cả các ngõ nhỏ, các dải phân cách. Sở Xây dựng nghiên cứu lắp ca-mê-ra các xe thu gom rác để kiểm soát và yêu cầu tuyệt đối không trộn lẫn rác sinh hoạt và rác xây dựng… Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Ðầu tư tạo điều kiện cho ba nhà máy rác thải sớm đi vào hoạt động… Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã, nhất là bốn quận nội thành cũ cần vận động người dân không sử dụng than tổ ong, tiến tới loại bỏ hoàn toàn trong năm 2020.
Một số giải pháp cũng cần được cơ quan chức năng xem xét. Thí dụ, Ban Quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết, sẽ đề xuất Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiến nghị UBND thành phố về điều kiện các đơn vị dự thầu xây dựng, cải tạo đường phải có máy móc hiện đại, bảo đảm môi trường, như vừa thổi vừa hút bụi. Sở TN và MT TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất, cần khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện chạy bằng năng lượng mới, phát triển phương tiện công cộng, hiện nay là xe buýt, tương lai là tàu điện.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề xử lý ÔNMTKK không chỉ là vấn đề của riêng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, do đó cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương.
Về lâu dài, Bộ TN và MT cần phối hợp Bộ Công thương rà soát các loại hình sản xuất công nghiệp phát sinh nhiều khí thải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để định hướng quy hoạch phát triển kinh tế công nghiệp vùng, bảo đảm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô-tô, xe máy để kiểm soát khí thải từ loại hình phương tiện chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động giao thông; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị đi trên địa bàn thành phố, để sớm đưa các loại hình giao thông công cộng đi vào vận hành, giảm phương tiện giao thông cá nhân và khí thải giao thông.
Hoàng Linh (T/h)