Tết rừng Nà Hẩu và ý thức bảo vệ môi trường của đồng bào H’Mông ở Yên Bái

Hà My|12/03/2024 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo truyền thống, Tết rừng Nà Hẩu được tổ chức vào ngày âm lịch cuối cùng của tháng Giêng hằng năm. Trong dịp này, đồng bào H’Mông ở Nà Hẩu (Văn Yên, Yên Bái) lại phát động trồng cây, góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.

Dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc H’Mông, Tết rừng là cảm tạ trời đất, cảm ơn thần rừng, thần núi, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp con người có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc, bình yên; cho cây cối, gia súc, gia cầm phát triển, cho sự trường tồn của các dòng họ cùng với màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh. Tết rừng của người Mông, xã Nà Hẩu năm nay được nâng cấp lên cấp huyện tổ chức và có chủ đề “Độc đáo Tết rừng của người Mông Nà Hẩu”.

11-rung.jpg
Lễ cúng rừng diễn ra dưới gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi

Những năm qua, rừng luôn là nguồn sống, che chở cho đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Theo quan niệm của người Mông Nà Hẩu, rừng là tất cả, là nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng, rừng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho mọi người. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm.

Người Mông Nà Hẩu cũng quan niệm những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống, tưới tiêu cho đồng ruộng và cũng mang lại hệ sinh thái tự nhiên giúp họ sung túc hơn nhờ làm du lịch sinh thái, du lịch xanh. Để bảo vệ rừng cũng như phát huy phong tục, tập quán truyền thống lâu đời của người Mông Nà Hẩu, hàng năm nhân dân trong xã đều tổ chức Tết rừng. Tết rừng được dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc Mông với ý nghĩa cảm tạ trời đất, cảm ơn thần rừng thấn núi, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp người Mông Nà Hẩu có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và bình yên; cho cây cối, gia súc, gia cầm phát triển, cho sự trường tồn của các dòng họ cùng với màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh.

11-tet-r.jpg
Bà con tổ chức ăn Tết và quyết tâm cùng nhau giữ rừng

Tết rừng đã có từ khi người Mông Nà Hẩu di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, tạo ra sắc thái văn hóa riêng của người Mông nơi đây. Theo truyền thống thì Tết rừng Nà Hẩu sẽ được tổ chức vào ngày âm lịch cuối cùng của tháng Giêng hằng năm.

Tiếp nối những giá trị truyền thống, Tết rừng của người Mông, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên năm 2024 được tổ chức nhằm tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng nguyên sinh của người Mông xã Nà Hẩu nói riêng và nhân dân Văn Yên nói chung. Đồng thời, đây là dịp quảng bá nhân rộng thúc đẩy ý thức giữ rừng, phát triển sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc, từng bước thu hút khách du lịch đến thăm quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của cánh rừng nguyên sinh, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của người dân làm ra, từ đó tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái lâu dài bền vững.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là nơi lưu giữ một hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng, với vẻ đẹp của những cánh rừng già thâm nghiêm, tán rừng nguyên sinh, mang lại cho Khu Bảo tồn một bầu không khí thật trong lành, tinh khiết và đưa con người trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn bao giờ hết”. Tết rừng của người Mông, xã Nà Hẩu năm nay đã được nâng cấp lên cấp huyện tổ chức, với chủ đề “Độc đáo Tết rừng của người Mông Nà Hẩu”. Với thế mạnh riêng có về thiên nhiên, con người nơi đây, xã Nà Hẩu đang được huyện Văn Yên xây dựng trở thành xã du lịch trọng điểm của huyện.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của huyện, của xã, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chắc chắn rằng du lịch xã Nà Hẩu với thương hiệu “Nà Hẩu - bốn mùa tinh khiết” sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tết rừng Nà Hẩu và ý thức bảo vệ môi trường của đồng bào H’Mông ở Yên Bái
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.