Tết xưa trong ký ức người Hà Nội

Thanh Bình|14/02/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tết Nguyên đán không chỉ là một dịp lễ quan trọng mà còn là một biểu tượng văn hoá mang đậm tính nhân văn của người Việt. Đối với người Hà Nội, Tết cổ truyền xưa là một điều rất thiêng liêng, luôn đầy ắp yêu thương và trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống không thể xoá nhoà.

Trong tâm thức của người Việt từ bao đời nay, mùa Xuân là mùa của sự tái sinh, đoàn viên và khởi phát. Một năm mới bắt đầu bằng mùa Xuân và tết Nguyên đán chính là một dịp lễ đánh dấu thời khắc giao mùa, khép lại những bộn bề vất vả của một năm cũ mở ra một chu kỳ thời gian mới, một sự khởi đầu mới với những ước vọng may mắn cùng niềm tin mãnh liệt về một tương lai tươi sáng, viên mãn và khởi sắc hơn những tháng ngày đã qua.

Cùng với sự phát triển của xã hội và những tiếp biến văn hoá của kỷ nguyên hội nhập, nếp sinh hoạt trong dịp tết Nguyên đán ngày nay đã đổi khác rất nhiều so với truyền thống ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, có những phong tục vẫn sẽ mãi trường tồn cùng sức sống cả ngàn năm của lịch sử dân tộc.

tet-xua(1).png
Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh mọi người tất bật chuẩn bị cho những ngày đầu năm mới

Trải qua nhiều năm cùng với xu hướng hội nhập nhiều nền văn hóa phương Tây nhưng Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa đẹp cho riêng mình. Không khí ăn Tết ở Hà Nội cũng được lưu giữ và truyền lại qua bao thế hệ mà vẫn giữ được phong vị cổ truyền của ngày xưa.

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt Tết. Là tiếng nói cười râm ran trong sương mờ se lạnh ngày đông để chọn cho gia đình một cành hoa. Là những điều giản dị của một thời khó khăn về vật chất nhưng vẫn ấm áp tình người, …

Trong ký ức của nhiều người, cái Tết ngày xưa cầu kỳ lắm. Nhiều nhà đã phải lo kiếm củi gộc để nấu bánh chưng từ mấy tháng trước Tết, rồi nào là lá dong, gạo nếp, đỗ xanh làm sao cho cái bánh chưng được xanh ngon. Còn mâm cỗ Tết Hà Nội xưa không thể thiếu những món như: Gà luộc, khoanh giò, đĩa nem rán, hạnh nhân xào, đĩa xôi, bát măng, bát canh bóng, bát miến và không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh mướt. Để làm được mâm cỗ Tết xưa, các bà các cô Hà Nội xưa khó tính, cầu kỳ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến chế biến và bày biện.

Ví như, chọn gà phải là trống thiến, chân giò phải là chân giò sau, măng khô là loại măng lưỡi lợn ngâm trước cả tuần, luộc dăm nước rồi thái vát để nấu nồi canh măng thật nhừ tới, cắn miếng măng ngon hơn miếng thịt. Bóng phải dày và trắng, ngâm nước nở đều thái hình thoi, tẩy rượu gừng thơm phức, chân tẩy của nồi bóng nhất định phải dùng nước luộc gà, su hào, cà rốt thái hoa tỉa răng cưa và không thể thiếu thịt nạc thăn với vài quả đậu Hà Lan cùng dăm cái nấm hương thơm phức.

Cận Tết thì nhà nhà đều cố gắng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Xưa thì có khi quét vôi lại cho nhà sáng sủa. Rồi ra phố kiếm mấy tờ lịch treo tường, ít chữ Lộc, Thọ về dán cửa dán tường. Hoa Tết thì không thể thiếu, các cụ xưa xính lọ hoa cắm chân chim, violet, lay ơn, thược dược, đồng tiền… và thêm cành đào, chậu quất. Chọn được hoa đẹp, tươi và cắm khéo thì lọ hoa thập cẩm này làm rạng rỡ căn nhà hơn cả những chậu đào hay quất, nhất là với những nhà có diện tích nhỏ.

Tết truyền thống của người Việt Nam là phải có cơm cúng. Nhà nghèo đến đâu cũng phải có tối thiểu con gà và đĩa xôi trắng, bất kể là vào năm con gì trong 12 con giáp. Các món khác thêm vào nhiều ít là do kinh tế từng nhà. Bây giờ nhà nghèo tới mức thiếu Tết còn rất ít, nhưng vì quanh năm không thiếu, ngày Tết ăn gì cũng thấy ngấy nên nhiều nhà vẫn giữ truyền thống đơn giản là thắp hương với đĩa xôi trắng và con gà. Nước luộc gà và lòng mề dùng nấu miến ngày xưa là món phụ có tính tận dụng thì nay nhiều gia đình hồ hởi đón nhận từ ngay ngày mồng Hai Tết cho dễ ăn và nhẹ bụng. Bởi vậy mà ngày nay, tiêu chí "ăn" trong ngày Tết đã chuyển xuống hàng thứ yếu. Người ta cần nghỉ, cần chơi nhiều hơn.

tranh-pho-co-ha-noi-tsd167.jpg
Mặc dù ngày nay, các phong tục trong dịp Tết có nhiều đổi thay nhưng Tết Nguyên đán vẫn giữ được hồn cốt riêng

Nét đẹp của người Hà Nội là sau khi quây quần đoàn tụ trong bữa cơm chiều 30 Tết của gia đình, từ sáng mồng Một mọi người đã chuẩn bị đi chúc Tết kết hợp dạo Xuân qua các phố phường. Cuối năm là dịp những cây mùi già trổ hoa lên ngôi. Dù nhiều thứ cây có hương thơm mà phụ nữ thích dùng, như hương bưởi, hương xả, nhưng tắm gội cuối năm và rửa mặt sáng ngày Tết thì chỉ có cây mùi già. Loại cây này thơm mát mà không bị ngát quá.

Người Hà Nội chọn mặc Tết đẹp nhưng phải lịch sự, phong thái đĩnh đạc đàng hoàng. Hà Nội xưa ít người nên đường phố thoáng đãng. Nay thì ngày nào cũng ồn ào đông đúc, chen lấn trên đường nên quang cảnh buổi sáng đầu năm bỗng làm cho người ra đường thấy ngỡ ngàng và khoan khoái vô cùng, thấy cảnh sắc như vừa lạ vừa quen. Lạ so với cái ồn ào chỉ mới hôm qua, nhưng lại thấy quen như cảnh sắc đường phố của vài chục năm trước.

Người Hà Nội vẫn giữ nếp đi chúc Tết nhau. Ở khu tập thể còn rủ nhau cùng đi chúc Tết các cụ cao tuổi là cư dân lâu đời. Ngoài chuyện nói lời hay ý đẹp thì thể nào cũng được các cụ mời trà sen, một thứ trà riêng của Hà Nội ướp từ nhụy hoa sen hồ Tây. Thêm vài hạt mứt sen nhấm nháp thì chén trà nóng càng thêm thú vị. Chuyện ngày Tết không đầu không cuối theo đó càng thêm vui.

Mùa Xuân là mùa của lễ hội. Từ ngày mồng Hai Tết trở đi đến suốt cả tháng Giêng, tháng Hai, già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, người thì đi lễ, người thì du ngoạn, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thì thi hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng…. Người ta gọi là thưởng Xuân, chơi Xuân.

Trước đây, người ta thường nói là “ăn Tết”, còn bây giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp tết Nguyên đán, thay vì trở về quê hương. Nó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này, khi họ muốn tách khỏi gia đình để đi chơi với bạn bè trong những ngày Tết cổ truyền. Chính sự tác động của đời sống văn hóa, xã hội, sự hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt.

Mặc dù ngày nay, các phong tục trong dịp Tết có nhiều đổi thay nhưng tết Nguyên đán vẫn giữ được hồn cốt riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa Xuân về, Tết đến là mỗi lần truyền thống được tôn vinh để lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau.

Bài liên quan
  • Tết xưa của miền đất Nam Bộ
    Moitruong.net.vn – Khi xưa, để có một cái Tết trọn vẹn và đủ đầy, người Nam Bộ phải dày công chuẩn bị, từ những việc “vòng ngoài” như trồng hoa, nhặt lá mai đến việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa và cả những tục lệ sau đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tết xưa trong ký ức người Hà Nội
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.