Thanh Hóa: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong phát triển nông nghiệp

Nguyễn Trường|04/01/2024 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đã, đang được chính quyền nhiều địa phương tại Thanh Hóa quan tâm, góp phần cải thiện chất lượng môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp hay, thiết thực

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng từ 15 đến 20 triệu tấn phế phẩm thực vật mỗi năm, như: Rơm rạ, thân cây, lá,... sau khi thu hoạch các loại cây trồng. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường thông qua nhiều con đường khác nhau, như: Nước mưa chảy tràn qua các kho chứa đã bị xuống cấp, lượng thuốc còn dư đọng lại trong chai bị quăng xuống ao, hồ, sông hay lượng thuốc dư thừa trong quá trình sử dụng quá liều lượng ngấm vào đất...; Đồng thời, tác động đến sinh vật có ích trong môi trường và gia tăng các sinh vật có hại, làm đất đai cằn cỗi. Ngoài ra, hằng năm thu gom ước tính khoảng từ 2 - 2,5 tấn phế thải vô cơ có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao là các loại vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phần lớn được xử lý bằng cách tự đốt hoặc tiêu hủy thủ công tại các địa phương.

Đối với chăn nuôi, sự gia tăng đàn đã dẫn đến tình trạng chất thải trong chăn nuôi ngày càng tăng, mỗi năm có khoảng 10 đến 15 triệu tấn chất thải. Bên cạnh đó, hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nằm trong khu dân cư, chất thải chăn nuôi được xả chung với chất thải sinh hoạt ra hệ thống cống thoát nước dân sinh.

anh-7.jpg
Xác động vật chết bị vứt bỏ tràn lan, gây ô nhiễm tại hồ Hao Hao, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa)

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 135/KH-UBND ngày 15-9-2016 thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được hơn 20.000 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV; hỗ trợ xây dựng nhiều công trình khí sinh học, triển khai ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, thực hiện mô hình nhà lưới, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP...

anh-1.jpg
Thanh Hóa đã xây dựng được hơn 20.000 bể chứa vỏ/bao bì thuốc BVTV, giúp cải thiện môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Thanh Hóa đã tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện quy trình sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học, giảm chi phí sản xuất, BVMT, tránh bạc màu đất, thông qua các chương trình, dự án như: Xây dựng nhiều mô hình chứa bao bì thuốc BVTV; Hỗ trợ xây dựng nhiều công trình khí sinh học, triển khai dự án ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; Mô hình nhà lưới cùng nông dân bảo vệ môi trường… Sở cũng cũng tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm BVMT đất, tiết kiệm tài nguyên nước… trong sản xuất nông nghiệp.

anh-2.jpg
Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thay đổi từ manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô, đồng bộ nhiều giải pháp BVMT

Đến những mô hình nông nghiệp tiên tiến, điển hình, thân thiện với môi trường từ cơ sở

Điểm tích cực và cũng là kết quả đáng ghi nhận nhất của ngành nông nghiệp Thanh Hóa thời gian qua với công tác BVMT, chính là đã thay đổi được nhận thức của người nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cần gắn với công tác BVMT. Cụ thể, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp quy mô, hiện đại, cho hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường.

Tiêu biểu phải kể đến mô hình trồng khoai tây ở xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa. Với 26ha diện tích liên kết sản xuất cây khoai tây, để nâng cao năng suất, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Tiến đã phối hợp chặt chẽ với Công ty CP quốc tế An Việt trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, cung cấp giống, hỗ trợ phân bón, chế phẩm sinh học để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây; Theo dõi, hướng dẫn người dân thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP; Áp dụng máy móc cơ giới hóa đồng bộ trong các công đoạn lên luống, làm đất, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái,… Những đổi mới, sáng tạo này đã góp phần giảm thiểu chi phí, BVMT, tránh độc hại cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe từ phía đơn vị liên kết, thị trường tiêu thụ.

anh-3.jpg
Mô hình trồng khoai tây được áp dụng nhiều công nghệ vào sản xuất, giúp tiết kiệm sức lao động, tăng hiệu quả kinh tế và BVMT ở xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Mô hình nhà màng đang được rất nhiều nông dân Thanh Hóa ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời, giúp BVMT hiệu quả. Khu vườn trồng dưa lưới của chị Lã Thị Huyền, xã Nga Văn, huyện Nga Sơn chính là một minh chứng điển hình. Năm 2021, sau nhiều năm trồng dưa hấu thu nhập khá thấp, lại bấp bênh, chị Huyền mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống trên diện tích hơn 3.000m2, để trồng dưa lưới. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của thời tiết, tự nhiên. Vườn dưa lưới của chị Huyền vụ nào cũng cho năng xuất cao, thu nhập ổn định. Chị Huyền cho biết, với hơn 3.000m2 sản xuất dưa, gia đình đang thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng “thuận tự nhiên”, tôn trọng hệ sinh thái vườn và không dùng thuốc BVTV. Đây là hướng canh tác bền vững, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường, vừa bảo vệ và nâng cao chất lượng đất.

anh-4.jpg
Mô hình trồng dưa lưới của chị Lã Thị Huyền, xã Nga Văn, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt, hạn chế các tác động đến môi trường

Được biết, đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 170 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giúp BVMT; 13.500ha sản xuất rau an toàn, hơn 765ha sản xuất nông nghiệp chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giống biến đổi gen, 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, khoảng 700 trang trại chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và an toàn sinh học.

Phát triển nông nghiệp bền vững, nhưng không chỉ nhìn vào năng xuất và kinh tế, yêu cầu đặt ra nhằm phát triển nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí còn có thể giúp cải thiện môi trường. Đây cũng chính là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang hướng đến...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong phát triển nông nghiệp