Thanh Hóa vượt kế hoạch trồng rừng tập trung năm 2023

Hoàng Linh|22/12/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm qua, phong trào trồng cây, trồng rừng ở Thanh Hóa luôn được ngành chức năng và các địa phương đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, tạo sinh kế cho người dân.

Năm 2023, huyện Ngọc Lặc có kế hoạch trồng mới 500 ha rừng tập trung và 239.000 cây phân tán các loại. Để thực hiện được chỉ tiêu trồng rừng năm 2023, các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân chuẩn bị nguồn cây giống, khai thác diện tích rừng đến tuổi khai thác, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu rừng trồng theo hướng hiệu quả, phù hợp với quy hoạch vùng sản xuất tập trung của từng địa phương. Chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch vùng rừng cần khoanh nuôi, bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ, tích cực trồng rừng kinh tế, góp phần tích cực vào việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, làm tăng tỷ lệ che phủ của rừng. Nhờ có hướng đi đúng và có nhiều giải pháp tích cực, nên đến trung tuần tháng 9 huyện Ngọc Lặc đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2023 và là một trong những địa phương hoàn thành kế hoạch trồng rừng sớm nhất tỉnh. Hiện nay, người dân Ngọc Lặc đang tích cực chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng sau trồng.

trong-rung.jpg
Ảnh minh họa

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trồng rừng đạt trên 10.000 ha rừng tập trung và 7,1 triệu cây xanh, cây phân tán. Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, ngay từ đầu năm 2023 các đơn vị và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác chuẩn bị về hiện trường, cây giống để đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng. Về cơ cấu cây trồng, vùng trung du và miền núi trồng những loại cây trồng đa tác dụng, như: keo các loại, tếch, xoan ta, sao đen, lát hoa, xà cừ, dổi, lim xanh, giáng hương...; vùng đồng bằng trồng các loại cây bóng mát kết hợp lấy gỗ, cây ăn quả, cây làm cảnh, như: xoài, nhãn, keo, xoan ta, sao đen, lát hoa...; vùng ven biển ưu tiên trồng các loại cây chắn gió, chắn cát bay, bảo vệ môi trường sinh thái; các khu đô thị, khu công nghiệp, đường phố, đường giao thông, công sở trồng các loại cây xanh tán đẹp tạo bóng mát, cảnh quan như: bằng lăng, muồng hoa vàng, long não, phượng vĩ, ngọc lan...; các khu di tích lịch sử, đền, chùa trồng các loại cây đa, bồ đề, ngọc lan, si, xanh, lộc vừng...

Để đạt kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch về tổ chức thực hiện “Tết Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023; đồng thời giao kế hoạch trồng rừng đến UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị cơ sở nhằm chủ động công tác chuẩn bị hiện trường, cây giống để ngay từ đầu năm thời tiết thuận lợi tổ chức ra quân trồng rừng. Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu được lợi ích của việc trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng khả năng cung cấp gỗ và lâm sản. Cùng với đó, quy hoạch các nguồn giống, hệ thống vườn ươm bảo đảm đủ cây giống lâm nghiệp chất lượng phục vụ trồng rừng; hướng dẫn kỹ thuật trồng mới; chỉ đạo hoàn thành tốt công tác thiết kế kỹ thuật các công trình lâm sinh; chuẩn bị hiện trường, cây giống; khuyến khích người dân sử dụng cây giống chất lượng cao; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng rừng thâm canh... Đặc biệt, năm nay các diện tích trồng rừng bằng giống chất lượng cao, giống ngoại nhập để nâng cao chất lượng rừng trồng cũng được chú trọng mở rộng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài và thực hiện công tác đấu thầu trồng rừng bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nên đã ảnh hưởng đến thời gian trồng rừng của nhiều địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, với sự cố gắng, chủ động, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 10/2023, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị được 23,5 triệu cây giống, trồng mới 10.025 ha rừng tập trung, đạt 100,2% kế hoạch. Cùng với trồng mới rừng tập trung, các ngành, người dân đã trồng 6,2 triệu cây phân tán; chủ động triển khai chăm sóc rừng trồng mới và bảo vệ an toàn hơn 60.836 ha rừng; chăm sóc hơn 40.000 ha rừng.

Bài liên quan
  • Trồng rừng tập trung ở Thái Nguyên vượt 25,8% kế hoạch
    Theo Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, năm 2023, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt gần 4.325ha, bằng 125,8% kế hoạch (vượt 3,85% so với năm 2022). Trong đó, trồng rừng gỗ lớn đạt gần 1.110ha, vượt 73% kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa vượt kế hoạch trồng rừng tập trung năm 2023