Thanh Hóa: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nhiễm mặn

Châu Anh|11/04/2021 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dự báo, những năm tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ càng gia tăng cả về diện tích và độ mặn. Do đó, cùng với việc thực hiện các biện pháp hạn chế xâm nhập mặn thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp hiệu quả, mang tính bền vững cho vùng sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh Thanh Hóa.

Quảng Văn (Quảng Xương) là xã nằm ở cuối nguồn tưới, nên trên địa bàn có tới hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị nhiễm mặn, chiếm khoảng 35% diện tích sản xuất nông nghiệp của toàn xã. Diện tích có nguy cơ bị nhiễm mặn cao chủ yếu tập trung ở vị trí ven sông Hoàng và diện tích được tưới bằng máy bơm động lực. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của xã.

Vì vậy, để hạn chế thiệt hại, UBND xã Quảng Văn đã vận động Nhân dân đưa các loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện canh tác, có khả năng chịu hạn cao vào trồng thay thế cho những cây truyền thống. Tính từ năm 2015 đến nay, xã đã chuyển đổi được hơn 30 ha trồng lúa có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, năng suất thấp sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn cao, như: dưa lê, cà tím, đậu… Trong vụ đông xuân năm nay, UBND xã tiếp tục chỉ đạo bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi thêm 20 ha trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây rau màu.

Ảnh minh họa

Tại huyện Hoằng Hóa, tình trạng hạn và xâm nhập mặn thường xảy ra tại 17 xã thuộc vùng biển, chủ yếu tập trung vào các xã lấy nguồn nước từ trạm bơm Hoằng Khánh, với diện tích dự báo bị hạn và xâm nhập mặn trong năm nay khoảng 340 ha. Để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn, cùng với việc thực hiện các biện pháp hạn chế xâm nhập mặn, huyện Hoằng Hóa thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng. Theo đó, huyện đã lựa chọn và sử dụng các loại giống có khả năng chịu mặn như: Nhị Ưu 838, Bắc Thơm số 7, Nam Dương 99 đưa vào gieo cấy thay cho các giống lúa thông thường; thu hút, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án phục vụ thau chua, rửa mặn; đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất…

Đối với những diện tích đang trồng lúa có độ nhiễm mặn cao, ảnh hưởng đến năng suất, huyện thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại cây màu hàng hóa có khả năng chịu hạn, như: bí xanh, cà rốt, khoai lang Nhật Bản, dưa lê… và chuyển đổi sang xây dựng trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản. Hiện, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 760 ha, trong đó, có khoảng 30% diện tích là vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Không chỉ huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn cũng là huyện có diện tích nhiễm mặn lớn nhất tỉnh, khi có tới gần 4.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn, chiếm tới hơn 80% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn huyện và gần 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn của toàn tỉnh. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn luôn được huyện đặt lên hàng đầu. Theo đó, cùng với việc thực hiện các mô hình thí điểm trồng các loại cây trồng trên vùng đất nhiễm mặn, từ đó lựa chọn được những cây trồng phù hợp để đưa vào chuyển đổi, huyện đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ thực hiện cải tạo đất và chuyển đổi cây trồng trên đất nhiễm mặn. Nhờ đó, huyện đã thực hiện chuyển đổi được khoảng hơn 500 ha đất trồng cói, lúa sang trồng lúa chịu hạn, chịu mặn, nuôi trồng thủy sản và phát triển trang trại. Hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi tăng 20 đến 30%.

Với phương châm “Sống chung với lũ” trong việc đối phó với tình hình xâm nhập mặn, những địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn đã và đang lựa chọn cây trồng, mô hình phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Điều này đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng nhiễm mặn phát huy hiệu quả kinh tế, các địa phương cần tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân trong việc định hướng, lựa chọn các cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch chuyển đổi, tránh việc phát triển tự phát các loại cây trồng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, mỗi vụ sản xuất, toàn tỉnh có khoảng 7.000 đến 8.000 ha bị xâm nhập mặn; trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn khoảng 4.775 ha và tập trung tại các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống.

Do đó, cùng với việc thực hiện các biện pháp hạn chế xâm nhập mặn thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp hiệu quả, mang tính bền vững cho vùng sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn tại nhiều địa phương.

Châu Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nhiễm mặn