Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Trường|21/11/2022 15:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp, các ngành tại Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống

Nhiều mô hình, giải pháp hay, sáng tạo

Tại huyện Quảng Xương, để công tác đảm bảo vệ sinh môi trường đi vào chiều sâu, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Nhân dân, ý thức tránh nhiệm của chủ đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong công tác bảo vệ môi trường đã được Ủy ban MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.

W_tieu-chi-moi-truong-2-.jpg
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Quảng Nham (Quảng Xương) ra quân dọn vệ sinh môi trường tuyến đê sông Yên

Cụ thể: Ủy ban MTTQ huyện đã xây dựng và nhân rộng mô hình Dân vận khéo xây dựng khu dân cư “Sáng-xanh-sạch-đẹp an toàn ”; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng được 182 đoạn đường tự quản, trên 100 km đường hoa theo mô hình “Trồng hoa thay thế cỏ dại”, “Mô hình nhà sạch, vườn đẹp”; Hội Cựu chiến binh xây dựng mô hình “Hàng cây cựu chiến binh tự quản”; Hội Nông dân huyện triển khai mô hình “Tổ tự quản Bảo vệ môi trường”, “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật”, đã vận động xây dựng được 2.613 thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng; Đoàn thanh niên triển khai mô hình “Dòng sông không rác thải”, với trên 386 km kênh mương được thu gom rác thải thường xuyên; Liên đoàn Lao động huyện nhân rộng mô hình “Làm đẹp khuôn viên”, trong các cơ quan công sở, trường học…

Đặc biệt, hàng năm UBND huyện xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường và thực hiện có hiệu quả thông điệp "Ngày Khí tượng Thế giới", "Giờ Trái đất", "Ngày Nước Thế giới", "Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường", "Ngày Môi trường Thế Giới 5/6", "Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam", "Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn"... tới các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học theo quy định. Qua đó, phong trào toàn dân tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, cơ quan, đơn vị theo định kỳ được duy trì và phát huy hiệu quả; công tác thu gom, xử lý chất thải được thực hiện thường xuyên với phương châm thu gom, phân loại xử lý tại nguồn (tại hộ gia đình, cơ quan, đơn vị).

W_tieu-chi-moi-truong-3-.jpg
Chi hội Nông dân Thôn 3, xã Tiên Trang (Quảng Xương) ra quân dọn vệ sinh môi trường tại tuyến kênh mương nội đồng

Đến nay, đã có 26/26 xã, thị trấn ký hợp đồng với đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt về các điểm xử lý tập trung theo quy định. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt 91%, trong đó chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 81% (đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao). 100% số hộ dân trong huyện đã dùng nước hợp vệ sinh, 89,4% hộ dân được dùng nước sạch; 94,6% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh...

Huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ môi trường

Để nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Triệu Sơn, đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, thực hiện đồng bộ nhiều kế hoạch, giải pháp; các chương trình, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường cũng được chú trọng, quan tâm. Đặc biệt, để công tác bảo vệ môi trường duy trì hiệu quả thường xuyên, huyện đã tổ chức các đợt cao điểm dọn vệ sinh môi trường, giải quyết những vi phạm liên quan đến hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông.

Đồng thời, phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, hàng tuần như, quét dọn, trồng hoa, hàng rào xanh ở đường làng, ngõ xóm, công sở, trường học, khu vực công cộng. Toàn huyện đã phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trồng được trên 205 km đường hoa, cây xanh dọc các trục đường xã, đường thôn và liên thôn; trồng trên 280.000 cây bóng mát; lát 40 km vỉa hè đá; lắp đặt 55km đường điện sáng. Qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, cộng đồng về xây dựng môi trường sống trong lành, xây dựng hình ảnh quê hương Triệu Sơn khang trang, văn minh, xanh-sạch-đẹp.

W_tieu-chi-moi-truong-4-(1).jpg
Mô hình “Biến rác thải thành tiền” được Hội LHPN thị trấn Nưa (Triệu Sơn) triển khai

Công tác bảo vệ môi trường cũng được các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện quan tâm triển khai và huy động các hội viên tham gia tích cực, hiệu quả. Cụ thể, Hội LHPN huyện đã  triển khai các hoạt động thiết thực như: Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; tổ chức các hội thi “Phụ nữ chung tay xây dựng NTM”, phát động mô hình “Trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường”. Đến nay, các cấp hội đã trồng được 205km đường hoa, xây dựng được 15 mô hình “Tuyến đường mẫu”; hỗ trợ thành lập 5 HTX, 3 tổ hợp tác về chăn nuôi, sản xuất và thu gom rác thải; đặt 8.000 thùng rác thải tại khu dân cư. Hội Cựu chiến binh huyện đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”; tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết chung sức xây dựng NTM”. Trong quá trình xây dựng NTM, hội huy động hơn 3.500 ngày công tham gia vệ sinh môi trường với 182 tổ bảo vệ môi trường sông, hồ.

Huyện đoàn đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, đi đầu tham gia thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Đã huy động hàng vạn ngày công để thực hiện các chiến dịch làm sạch môi trường, tổ chức ra quân nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng với tổng chiều dài 55km; thành lập và duy trì 45 tuyến đường thanh niên tự quản xanh - sạch - đẹp; tổ chức 1.800 lượt tuyên truyền lưu động góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về xây dựng huyện NTM. Hội Nông dân huyện đã tổ chức lắp đặt, xây dựng được 2.326 bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng 34 mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ...

Công tác quản lý và thu gom, xử lý rác thải cũng được huyện đặc biệt quan tâm thực hiện. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền địa phương, sự đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, 32/32 xã, thị trấn đã xây dựng phương án thu gom, ký kết hợp đồng với đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt; triển khai thực hiện mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ thành phân bón hữu cơ tại hộ gia đình. Trong năm 2021, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đạt 94,7%.

Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh khu vực nông thôn đạt 98,85%. Số hộ được sử dụng nước sạch là 33.733/50.596 hộ, đạt 66,67% (trong đó, số hộ sử dụng từ nhà máy nước tập trung là 4.643 hộ, đạt 9,18%). Các xã đã có hệ thống nước sạch tập trung được đầu tư đến hộ dân gồm: Vân Sơn, Minh Sơn, Đồng Tiến, Đồng Thắng, Đồng Lợi, Dân Lý, Dân Quyền, Dân Lực, Nông Trường, An Nông. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh khu vực nông thôn đạt 93,94%. 100% các trang trại đều xây dựng hầm biogas hoặc sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn 32 xã đạt 86,92%. 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường. 100% các trạm y tế xã đều có các công trình, biện pháp xử lý chất thải...

W_tieu-chi-moi-truong-1-(1).jpg
Hội phụ nữ xã Vân Sơn (Triệu Sơn) phát động phong trào trồng hoa ven đường tạo cảnh quan môi trường sáng-xanh- xạch- đẹp

Được biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện tại đã có 42 khu xử lý chất thải rắn đang hoạt động (gồm 26 lò đốt và 16 khu chôn lấp); ngoài ra, tại hầu hết các xã đều đã có bãi tập kết rác thải sinh hoạt để vận chuyển về khu xử lý tập trung, tuy nhiên phần nhiều chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định. Tỷ lệ thu gom rác thải khu vực nông thôn đạt 84,6% (tăng 7% so với năm 2020). Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh đạt 77,8% (tăng 0,8%). Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,6% (tăng 1%); trong đó có 58,4% số hộ sử dụng nước sạch (tăng 2,1%) với 19,8% hộ sử dụng nước sạch từ nhà máy; có 384 xã đạt tiêu chí môi trường và ATTP, đạt 80,5% (tăng 2,5%).

Một điểm đáng khích lệ tại Thanh Hóa, các địa phương trong tỉnh không những chú trọng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, mà khi đã về đích nông thôn mới, vẫn không ngừng nỗ lực, để giữ vững, nâng cao tiêu chí môi trường. Xem công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm hàng đầu, song hành cùng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.