Thanh Hóa: Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

Nguyễn Trường|05/06/2023 16:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bài toán rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có một đáp án khả dĩ, và còn đó những gian nan, trăn trở. Nhưng hy vọng, với sự vào cuộc có hệ thống của các cơ quan ban, ngành, cùng các tổ chức xã hội và đông đảo tầng lớp nhân dân, tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm giải quyết được vấn nạn dai dẳng này.

Thực trạng rác thải nhựa tại Thanh Hóa

Thanh Hóa có 102km chiều dài bờ biển với ngư trường khai thác hải sản rộng lớn. Song việc thu gom, xử lý rác thải phát sinh từ hoạt động khai thác tại các địa phương ven biển còn hạn chế. Hiện toàn tỉnh có khoảng 6.700 phương tiện nghề cá, với hơn 24 nghìn ngư dân trực tiếp tham gia khai thác hải sản trên biển. Quá trình khai thác hải sản, ngư dân phải chuẩn bị nhiều nhu yếu phẩm cần thiết và điều này làm phát sinh lượng rác thải ra biển, gồm: vỏ chai nhựa đựng nước uống, vỏ lon nước ngọt, thùng xốp, túi nilon đựng thức ăn... Tình trạng ngư cụ hỏng, thùng xốp, chai lọ... vứt bỏ ngổn ngang trên mặt biển, trôi dạt vào bờ là hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở ven bờ các địa phương ven biển. Ngoài ra, còn có rác thải nhựa phát sinh từ các ngư lưới cụ hư hỏng, các dụng cụ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Trong đó, nổi cộm là tình trạng người nuôi trồng thủy sản vứt bỏ các bao bì đựng thức ăn thủy sản ra môi trường; ngư dân không lắp đặt thùng chứa rác trên tàu cá mà xả trực tiếp rác thải xuống biển, không thu hồi lại các ngư lưới cụ hư hỏng và rác thải sinh hoạt trong quá trình đánh bắt trên biển... Những thói quen này không những gây ô nhiễm môi trường, mà còn đe dọa đến sự phát triển tự nhiên của các loài sinh vật biển.

W_rac-thai-1.jpg
Rác thải nhựa ngập tràn bờ biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa)

Thêm một nguồn phát sinh rác thải nhựa đáng báo động nữa đến từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, mỗi ha lúa nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1 - 1,5kg vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)/vụ. Đối với diện tích trồng rau màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Nhiều nông dân vẫn còn xem bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV là một loại rác thải thông thường nên vẫn còn tình trạng vứt bỏ bừa bãi xuống kênh mương, bờ ruộng... Vì vậy, tỷ lệ thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV tại các địa phương còn thấp và phần lớn được xử lý bằng cách tự đốt hoặc tiêu hủy thủ công.

Qua tìm hiểu, được biết, trung bình 1 ngày trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, người dân thải ra môi trường khoảng 345 tấn rác thải từ nhựa (tương đương 0,1kg/người). Lượng chất thải này ngày càng khó kiểm soát, có chiều hướng gia tăng theo sự phát triển của kinh tế.

Nhiều mô hình, giải pháp hay, thiết thực

Để giải bài toán rác thải nhựa, thời gian qua, công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được quan tâm triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 4/12/2018 về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Đặc biệt, Kế hoạch hành động số 76/KH-UBND, ngày 16/3/2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thải nhựa đã phát huy được hiệu quả, giúp giảm thiểu rác thải nhựa, tạo nên được hiệu ứng tích cực về ý thức bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân: Dự án thu gom, xử lý, tái chế rác thải nhựa đại dương tại Thanh Hóa; Mô hình thu gom phế liệu và rác thải nhựa; Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, hạt giống rau các loại; Mô hình “từ thu gom phế liệu đến triệu phần quà”; Ngôi nhà xanh;…

W_rac-thai-2.jpg
Thời gian qua, tỉnh Thanh hóa đã phát động nhiều chương trình, mô hình hay, thiết thực, để giảm thiểu rác thải nhựa

Điển hình như câu chuyện bảo vệ môi trường của phụ nữ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Để công tác thu gom, xử lý rác thải nhựa phát huy được hiệu quả, Hội LHPN huyện Thọ Xuân đã hướng dẫn, chỉ đạo các chi hội xây dựng “ngôi nhà xanh” và các điểm thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và tặng quà cho hội viên, trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại các chi hội “ngôi nhà xanh” được thiết kế chiều cao 1,7m, rộng 1,2m, bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn đảm bảo phù hợp, gọn nhẹ, thuận tiện cho chị em phụ nữ sử dụng và có thể di chuyển được để chứa các loại phế liệu mà không lo bị mưa ướt. Chị em phụ nữ khi thu gom rác thải có thể tái chế như nhựa, kim loại, giấy vụn, vỏ lon, chai nước ngọt, giấy bìa, chai nhựa... được bỏ vào “ngôi nhà xanh”. Mỗi “ngôi nhà xanh” sau khi hoàn thành đặt ngay điểm công cộng, nơi tập trung đông người qua lại và giao cho chi hội phụ nữ thôn quản lý. Tùy thuộc tình hình cụ thể mỗi tuần hoặc mỗi tháng, khi “ngôi nhà xanh” đầy phế liệu, chi/tổ phụ nữ tại thôn phân loại mang đi bán để gây quỹ giúp đỡ cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

rac-thai-3(1).jpg
Mô hình bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa của phụ nữ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa)

Với việc làm ý nghĩa, thiết thực đã thu hút đông đảo hội viên, người dân tham gia hưởng ứng. Đến nay, 30/30 xã, thị trấn, gồm 274/274 chi hội đã xây dựng “ngôi nhà xanh” và các điểm thu gom phế liệu, số tiền vận động gây quỹ từ chương trình được 195,5 triệu đồng, tặng 485 suất quà cho hội viên và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển

Ngày 16/3/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 76/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; thu gom 50% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 50% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy... Đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; thu gom 75% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; duy trì không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mê. Quan trắc hàng năm hiện trạng rác thải nhựa trên biển tại 6 cửa sông gồm: Lạch Bạng, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Sung, Lạch Ghép và Lạch Càn.

W_rac-thai-4.jpg
Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đáng ghi nhận

Để đạt được mục tiêu, UBND tỉnh Thanh Hóa đề ra các kế hoạch thực hiện như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển; kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Đồng thời, phát động các phong trào hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Ngày Đại dương Thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn. UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành thực hiện tuyên truyền đến các hội viên, đoàn viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; tham gia tích cực các phong trào BVMT và tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phân loại rác thải nhựa, túi ni lông tại các khu vực ven biển…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.