Thanh Hóa: Tập huấn kỹ thuật hộ đê và phòng chống thiên tai

Phạm Anh|03/07/2022 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 1/7, tại TP Thanh Hóa, Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Tập huấn Kỹ thuật hộ đê, PCTT cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2022.

de.jpg
Đất đá sạt lở, xô đổ ngôi nhà của hộ dân ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 24 con sông với 4 hệ thống sông chính đều bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc và Tây bắc của tỉnh, lòng sông hẹp, độ dốc lớn, chảy quanh co, uốn khúc. Bình quân mỗi năm, Thanh Hóa có từ 2 đến 3 cơn bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp và cũng là tỉnh có hệ thống đê điều lớn nhất cả nước, với 1.008 km đê sông, đê biển, bảo vệ cho 17 huyện, thị xã, thành phố với 409 xã, trong đó có 242 xã có đê đi qua.

Do đặc điểm vị trí địa lý, hầu như năm nào Thanh Hóa cũng phải chịu ảnh hưởng của thiên tai như: bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc, hạn hán, xâm nhập mặn... Thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tỉnh hết sức nặng nề về người, tài sản, môi trường sinh thái, tác động xấu tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong giai đoạn 2016-2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá xảy ra và chịu ảnh hưởng của 123 trận thiên tai làm 80 người chết, 24 người mất tích, 23 người bị thương, gây thiệt hại kinh tế khoảng 10.100 tỷ đồng.

Đặc biệt năm 2017 là năm thiên tai xảy ra khốc liệt nhất trong 10 gần đây, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, làm 29 người chết và mất tích; nhiều tuyến đê, kè, cống bị hư hỏng nghiêm trọng, hệ thống đê điều đã xảy ra 153 sự cố. Thiệt hại của năm 2017 khoảng 4.799 tỷ đồng.

Thông tin của Tổng cục PCTT tại hội nghị, từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan tại nhiều vùng miền trên cả nước với 74 trận mưa lớn, sạt lở đất, 77 trận dông lốc và sét, 26 vụ sạt lở bờ sông, 113 trận động đất, 2 đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng. Thiên tai đã làm 64 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế 3.900 tỷ đồng.

Mùa mưa bão năm 2022 đang diễn biến vô cùng phức tạp, đe dọa đến mọi mặt đời sống, công trình, nhất là các tuyến đê… nên việc chủ động các giải pháp ứng phó và giảm thiểu thiệt hại có ý nghĩa quan trọng.

Tại hội nghị, các đại biểu được lãnh đạo Tổng cục PCTT và các đơn vị trực thuộc thông tin khái quát nhận định về diễn biến bão, lũ, thiên tai những tháng cuối năm 2022; công tác PCTT, quản lý đê điều năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022.

Các đại biểu, lực lượng hộ đê cũng được hướng dẫn nhiệm vụ công tác quản lý đê điều; giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; trao đổi các bài học kinh nghiệm hay trong công tác quản lý đê, lập quy hoạch, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý sự cố đê trong thời gian vừa qua.

Đại diện các địa phương có những ý kiến tham luận về bài học kinh nghiệm, thực trạng và kiến nghị giải pháp để xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”, công tác tuần tra canh gác, ứng cứu hộ đê trong mùa lũ sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”; giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ duy tu, tu bổ đê điều; công tác lập phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ hống đê điều trong quy hoạch tỉnh…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Tập huấn kỹ thuật hộ đê và phòng chống thiên tai
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.