Thanh Hóa ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ sau bão
Để kịp thời ứng phó với bão số 3, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh Thanh Hóa, đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Tình hình bão diễn biến bất thường, nguy hiểm
Theo báo cáo nhanh từ UBND các huyện, thị xã, thành phố, đến 14 giờ ngày 7/9 mưa, bão đã làm 1 người bị thương do bị cây đổ vào người khi tham gia giao thông, hiện tại sức khỏe đã ổn định (Lê Việt Anh, sinh năm 2004 quê xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân).
Mưa gió lốc làm 74 căn nhà ở các huyện miền núi bị thiệt hại. Trong đó, huyện Bá Thước 2 nhà ở xã Điền Quang bị tốc mái hoàn toàn và bị tốc mái một phần (riêng 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn phải sơ tán đến nơi an toàn với 4 khẩu). Huyện Cẩm Thuỷ bị 1 nhà ở xã Cẩm Thành bị tốc mái hoàn toàn phải sơ tán đến nơi an toàn với 2 khẩu. Huyện Mường Lát có 64 nhà bị thiệt hại (1 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 59 nhà bị tốc mái một phần, 2 nhà bị cây đổ vào nhà, 2 nhà bị sạt lở móng nhà), riêng 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn phải sơ tán đến nơi an toàn với 6 khẩu. Huyện Quan Hoá 7 nhà bị tốc mái một phần. Về thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mường Lát 0,11 ha hoa màu bị thiệt hại một phần (cây sắn). Huyện Bá Thước có 34,07 ha lúa bị đổ ngã. Mưa bão cũng làm 31 cây xanh trên địa bàn TP Thanh Hoá bị đổ gãy; 1 cây cột điện bị đổ, 1 xe máy bị hư hỏng và 4 bán bình bị hư hỏng tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn.
Theo bản tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đêm ngày 6/9/2024, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ; hồi 07 giờ ngày 7/9/2024, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc, 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ; cách Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 150 km về phía Đông Đông Nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166 km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/h. Do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có gió mạnh, mưa lớn; dự báo trong các ngày 7, 8/9/2024, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, có nơi trên 200 mm (đặc biệt là các huyện khu vực miền núi của tỉnh như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Bá Thước, Thường Xuân, Ngọc Lặc); nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở khu vực miền núi.
Tập trung cao độ ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại
Thực hiện Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 06/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão; để chủ động ứng phó với thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa, Giám đốc các Công ty: Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão số 3 và mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước do thiên tai có thể gây ra; trong đó, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 03/9/2024, số 18/CĐ-UBND ngày 05/9/2024, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết, chủ động tổ chức sơ tán người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, các hộ gia đình có nhà yếu, không đảm bảo an toàn; riêng khu vực miền núi của tỉnh (dự báo có lượng mưa rất lớn trong đợt thiên tai này), yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, các ngầm tràn ngập sâu, sự cố các công trình giao thông, công trình hồ đập, thủy lợi khác,... trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan chủ động quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và mưa lũ sau bão; dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan liên quan và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa, Đài Thông tin Duyên hải Thanh Hóa tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến bão số 3, mưa lũ sau bão và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo nhiệm vụ và địa bàn được giao, chủ động nắm chắc tình hình, khẩn trương kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai có thể gây ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo theo quy định. Yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.