Dự tại điểm cầu Bắc Ninh có các đồng chí: Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Quang Khải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và một số doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các địa phương, doanh nghiệp, gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: Các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.
Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra; bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Vì vậy, nếu đợt dịch kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó việc hướng dẫn phòng, chống dịch chưa hợp lý, hiệu quả hoặc áp dụng cứng nhắc tại một số địa phương đã khiến chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn nghiêm trọng. Để cầm cự trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động tay nghề như điện tử, cơ khi, dệt may… Các doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn hoặc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia người nước ngoài.
Tại Bắc Ninh, nhờ thực hiện hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phòng, chống dịch, đến nay, 98,6% doanh nghiệp trong các KCN đã trở lại hoạt động bình thường so với trước khi có dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các KCN Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng cao, mặc dù không đạt kế hoạch nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 46% kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 46% kế hoạch, tăng 4%.
Trên cơ sở ý kiến đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, vì vậy muốn ổn định đời sống cho người dân và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn của các cơ quan Trung ương, địa phương và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp phải là chủ thể, khẩn trương xây dựng phương án phục hồi, trở lại sản xuất kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Trung tâm đầu mối để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là các tỉnh, thành phố; các địa phương tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các vướng mắc; tổ chức các Tổ đến hướng dẫn trực tiếp các doanh nghiệp thực hiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp để đề xuất, kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, nhất là trong thu hút đầu tư. Bộ Y tế nghiên cứu phân bổ vắc xin cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp để duy trì trạng thái sản xuất bình thường mới. Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án, hướng dẫn tổ chức giao thông phù hợp với diễn biến dịch bệnh, đảm bảo lưu thông hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Ngay sau hội nghị, phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết, với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, Bắc Ninh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục cố gắng tìm nguồn vắc xin để tiêm cho người dân và công nhân lao động. Đề nghị các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kịp thời khắc phục khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp phải tiếp tục chủ động các giải pháp ứng phó với dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng, chống dịch.
Trung Hiếu