Thông tin với báo chí, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), nhận định biến đổi khí hậu trên toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến thời tiết, khí hậu của VN với các đợt thiên tai diễn biến dị thường, cường độ khốc liệt hơn.
Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều loại hình thiên tai xuất hiện và có nhiều yếu tố bất thường, dị thường, rất khó dự báo. Nắng nóng trong tháng 4 và tháng 6 liên tiếp có nhiệt độ kỷ lục mới. Nắng nóng ở Hương Khê (Hà Tĩnh) đo trong ngày 20.4 là 43,4oC – mức cao nhất trong lịch sử quan trắc của Việt Nam đến thời điểm này.
Những ngày đầu tháng 8, mưa lớn ở Phú Quốc (Kiên Giang) cũng kỷ lục khi tổng lượng mưa 10 ngày đầu tháng 8 là 1.167,4 mm, cao gấp 7 lần lượng mưa trung bình năm, gần bằng 1/2 giá trị tổng lượng mưa trung bình năm tại Phú Quốc (2.812 mm). Còn ở Tây nguyên trong những ngày đầu tháng 8 có lượng mưa cao bất thường, gây ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng ở khắp các tỉnh nam Tây nguyên.
Sự tác động đáng kể nhất là xuất hiện của hiện tượng El Nino hình thành từ cuối năm 2018 và đến nay đang ở giai đoạn chuyển sang trạng thái trung tính.
Theo thống kê, những năm khí quyển chuyển trạng thái từ pha nóng (El Nino) sang pha trung tính hoặc sang pha lạnh (La Nina) thì sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Gần đây nhất vào đầu năm 2016, sự chuyển pha từ El Nino sang pha trung tính khiến Việt Nam có rét bất thường, nhiều nơi có băng tuyết, thậm chí ở Kỳ Sơn (Nghệ An) nơi vĩ độ thấp hơn khu vực vùng núi phía bắc rất nhiều cũng có tuyết.
Đây cũng là biểu hiện biến đổi khí hậu đã rõ ràng. Trên thế giới, khu vực châu Âu năm nay có nắng nóng kỷ lục. Các khối băng ở hai cực đã tan kỷ lục so với những năm vừa qua, đây cũng là một trong những tác động gây ra các hiện tượng thời tiết biến đổi cực đoan gia tăng.
Trong những ngày vừa qua, chưa khi nào trên dải hội tụ nhiệt đới khu vực tây bắc Thái Bình Dương đã xuất hiện 3 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), 2 ở Biển Đông và 1 ở vùng biển ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành bão Lingling, tiếp đến là phía đông Trường Sa đã có manh mối hình thành ATNĐ. Cùng thời gian này, vịnh Bengan cũng có ATNĐ trên cùng dải như thế. Đây là những manh mối liên hệ thay đổi khí hậu nóng lên toàn cầu dẫn tới những hiện tượng khí hậu thời tiết của Việt Nam cũng biến đổi với tính chất khốc liệt hơn.
Nhằm giảm thiểu những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris vào cuối năm 2015, là 1 trong 150 quốc gia đã chủ động đưa ra mức cam kết quốc gia để cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, giảm sự nóng lên toàn cầu. Đến nay 48/63 tỉnh thành trên cả nước đã công bố kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris.
Thiên tai là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển, nhất là dưới tác động mạnh mẽ của BĐKH. Việc nghiên cứu tìm hiểu và tiếp tục nhận biết về các hiện tượng thiên tai là rất cần thiết để chủ động hơn trong phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại ở nước ta. Bên cạnh đó là giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức, tích lũy kỹ năng, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng trong điều kiện BĐKH.
Minh An (T/h)