(Moitruong.net.vn) – Trong các năm gần đây, khí hậu toàn cầu đã và đang biến đổi mạnh mẽ, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng trên toàn thế giới; đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và làm thiệt hại giá trị kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đô la.
Năm 2017, tổng thiệt hại do thiên tai ước tính trên 60.000 tỷ đồng
Nước ta đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan: bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động bất thường không theo quy luật, mùa mưa ít mưa, hạn hán nghiêm trọng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng rất cao,… gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.
Năm 2017 được đánh giá là một năm thiên tai vô cùng khốc liệt, diễn ra hầu khắp các vùng miền trên cả nước, khiến 386 người chết và mất tích, 654 người bị thương; hơn 8.126 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, hơn 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 352.943 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 2,65 triệu gia cầm, gia súc bị chết, nhiều vị trí đê điều bị sự cố phải xử lý khẩn cấp, nhiều km kênh mương và đường giao thông bị sạt trượt. Tổng thiệt hại ước tính trên 60.000 tỷ đồng (tương đương trên 2,65 tỷ USD).
Những con số thiệt hại đã phản ánh được phần nào những thảm họa mà đất nước ta đã gánh chịu, tuy nhiên những thiệt hại đã giảm thiểu đáng kể do sự đóng góp vô cùng lớn của công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn kịp thời và chính xác.
Thực tế cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai. Nó có thể ngăn ngừa thiệt hại về mạng sống và làm giảm tác động kinh tế và vật chất của các sự kiện nguy hiểm bao gồm cả thiên tai.
Hiện cả nước đã có trên 1.400 trạm, điểm đo trong đó có 354 trạn thủy văn, 194 trạm khí tượng, 07 trạm rada, 91 điểm quan trắc xâm nhập mặn… đã giúp nâng cao chất lượng dự báo góp phần giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra nhằm đảm bảo sự an toàn về tính mạng, tài sản cho toàn xã hội. Đặc biệt với những hiện tượng lũ lụt, thiên tai bất thường, công tác dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo đã thực hiện kịp thời, chính xác, giúp người dân và cơ quan, tổ chức kịp thời phòng tránh, chế ngự, hạn chế rủi ro.
Để có hiệu quả, các hệ thống cảnh báo sớm cần phải tích cực kêu gọi sự tham gia của người dân và cộng đồng chịu rủi ro từ một loạt các mối nguy hiểm, đẩy mạnh giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức về rủi ro, phổ biến một cách có hiệu quả các thông điệp và cảnh báo và luôn đảm bảo trạng thái chuẩn bị sẵn sàng.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2018 và Ngày Khí tượng Thế giới năm 2018
Tại Lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2018 và Ngày Khí tượng Thế giới năm 2018, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân kêu gọi: “Mỗi cá nhân hãy cùng chung tay, góp sức thông qua những hành động như: Chủ động với mọi biến động của thời tiết khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng thời tiết cực đoan để giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra”.
“Hành động dù là nhỏ bé của mỗi người chúng ta nếu gộp lại của toàn cộng đồng, của toàn xã hội sẽ tạo nên những hiệu quả to lớn, qua đó góp phần đảm bảo phát triển bền vững của đất nước, trên cơ sở giữ gìn môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và trên hết là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Ngày Khí tượng Thế giới năm 2018, với chủ đề “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu”. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của thời tiết và khí hậu với an sinh xã hội, sức khỏe của cộng đồng, an ninh lương thực và truyền tải thông điệp về sự cần thiết của việc tăng cường đầu tư nghiên cứu, phổ biến thông tin, kiến thức và nâng cao hiểu biết về thời tiết, biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo khí hậu, thời tiết và qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của hoạt động khí tượng thuỷ văn, dịch vụ khí hậu của ngành khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu trong các hoạt động kinh tế – xã hội, phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
An Nhiên