Sống cạnh sông nhưng thiếu nước
Những ngày cao điểm mùa khô này, từ Quốc lộ 20 đi vào một số tuyến đường thuộc các xã Phú Ngọc, La Ngà, Ngọc Định của huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, dễ dàng bắt gặp hàng chục xe công nông được chế thành xe bồn chở nước sinh hoạt (loại từ 4 – 8m3). Những xe bồn này hoạt động hết công suất, chở nước sinh hoạt từ các vùng lân cận cung cấp cho người dân các xã sống dọc sông La Ngà. Bởi lẽ, giếng khoan của hàng nghìn hộ dân nơi đây cạn nước, khiến người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Xe chở bồn nước sinh hoạt bán cho các hộ dân dọc sông La Ngà hoạt động hết công suất những ngày này
“Tôi làm nghề lái xe công nông chở bồn nước sinh hoạt được năm năm nay rồi, vào cao điểm mùa khô như những ngày này, tôi phải làm việc cả ngày, lẫn đêm nhưng vẫn không kịp vận chuyển nước sinh hoạt bán cho bà con. Nhiều người dân liên tục gọi điện yêu cầu cung cấp nước nhưng do số lượng xe ít, trong khi nhu cầu nhiều, nên có hộ mấy ngày sau tôi mới chở nước sinh hoạt đến được”, anh Phan Thành An, lái xe bồn chở nước sinh hoạt tại huyện Định Quán cho biết.
Vừa được bơm hai mét khối nước vào bồn nước nhà để sinh hoạt, chị Tô Thị Lý, ở ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán chia sẻ: “Hai tháng của mùa khô năm nay, nguồn nước sinh hoạt của gia đình tôi và cả khu vực này rất khan hiếm. Mỗi lần mua nước sinh hoạt, cũng phải chờ mấy ngày sau mới có xe chứ không phải kêu là có liền. Sau khi bơm vào bể, nước không thể dùng được ngay mà phải qua máy lọc”.
Trong khi đó, gia đình chị Trang Thị Mỹ, một trong số hộ dân hiếm hoi ở ấp 1, xã Phú Ngọc không phải mua nước sinh hoạt từ xe bồn nhờ giếng khoan sâu hơn 80m. Ngoài sử dụng sinh hoạt trong gia đình, chị Mỹ còn chia sẻ nguồn nước cho một số hộ gia đình gần nhà, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, hiện chỉ đủ cung cấp nước sinh hoạt cho gia đình.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng xảy ra đối với hàng nghìn hộ dân dọc theo sông La Ngà, thuộc các xã Ngọc Định, Phú Ngọc, La Ngà của huyện Định Quán. Trong đó, qua thống kê sơ bộ, chỉ riêng xã Phú Ngọc có hơn bốn nghìn hộ, với gần 21 nghìn nhân khẩu, có đến 90% hộ thiếu nước sinh hoạt.
Theo Trưởng ấp 1, xã Phú Ngọc, Triệu Tuấn Anh, chuyện nước sinh hoạt của người dân ở địa phương là hết sức khó khăn vào mùa khô kéo dài hàng chục năm nay. Đặc biệt, những năm trở lại đây, tình hình diễn ra nghiêm trọng hơn, khi mùa khô nắng nóng ngày càng gay gắt.
Do vậy, để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, người dân cũng nhiều lần kiến nghị với chính quyền xã, huyện và các đại biểu Quốc hội khi về tiếp xúc cử tri xây dựng một nhà máy nước sạch. Thế nhưng, không hiểu sao đến thời điểm này, vẫn chưa được giải quyết. Do vậy, bà con mong muốn cấp trên quan tâm, làm sao để có nguồn nước sạch sử dụng, nhất là trong mùa khô. Đây cũng là nguyện vọng chung của hàng nghìn hộ dân thuộc các xã dọc sông La Ngà.
Dự án nhà máy nước vẫn nằm trên giấy
Theo tìm hiểu, trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng vào mùa khô của hàng nghìn hộ dân sống dọc sông La Ngà, cách đây hơn 10 năm, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng nhà máy xử lý nước sạch đặt tại xã Phú Ngọc. Sau đó, kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Thế nhưng, sau nhiều năm, đã có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, nhưng tất cả đều một đi, không trở lại.
Nước sinh hoạt từ xe bồn được bơm vào bể của các hộ dân sống dọc sông La Ngà
Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án xây dựng nhà máy xử lý nước sạch là do vốn đầu tư lớn, trong khi phương án thu hồi vốn và kinh doanh không khả thi.
“Nhiều năm nay, địa phương rất quan tâm, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch, phục vụ cho người dân sống dọc sông La Ngà. Tuy nhiên, đến thời điểm này không có một doanh nghiệp nào đầu tư, vì họ cho rằng, người dân ở đây lâu nay sử dụng nguồn nước mưa và các nguồn nước ngầm từ giếng khoan để lấy nước sinh hoạt. Do đó, các nhà đầu tư cho rằng, nếu xây dựng nhà máy cũng chỉ bán được nước sạch vào mùa khô. Còn mùa mưa, khi nguồn nước dồi dào người dân sẽ không mua”, một lãnh đạo UBND huyện Định Quán cho hay.
Do không kêu gọi được nhà đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng nhà máy nước từ nguồn vốn ngân sách và giao cho UBND huyện Định Quán làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần cấp nước Đồng Nai xây dựng.
Tuy nhiên, hiện dự án này vẫn đang nằm trên giấy. Do đó, việc người dân nơi đây vẫn tiếp tục phải mua nước sinh hoạt từ các xe bồn, với giá 30 nghìn đồng/m3 vào những tháng mùa khô này là điều không thể tránh khỏi.
An Nhiên (T/h)