Trong nước thải sinh hoạt có chứa rất nhiều thành phần khác nhau như cặn hữu cơ, dầu mỡ, chất béo… nên khi xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước, các chất này tạo thành mảng, bám trên các đường ống. Từ đó gây tắc nghẽn, cản trở dòng chảy, dẫn đến tình trạng úng ngập cục bộ khi mưa và ô nhiễm môi trường nước các sông, hồ.
Với số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đang tăng dần theo từng năm, nếu lượng dầu mỡ phát sinh không được thu gom, xử lý kịp thời thì lượng dầu mỡ phát sinh sẽ chảy thẳng vào hệ thống thoát nước và chảy xuống ao, hồ gây cản trở hệ thống thoát nước, ô nhiễm môi trường.
Dẫu đã biết rõ hệ lụy từ việc xả thẳng dầu mỡ ra môi trường nhưng đến thời điểm này, việc hưởng ứng, chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thoát nước, bảo vệ môi trường của không ít cơ sở trên vẫn rất hạn chế.
Mới đây, nhóm Greenlife - dự án về môi trường đã khởi động dự án thu gom dầu ăn (dầu thực vật) thừa với mục tiêu hướng tới cuộc sống xanh. Dự án thu gom dầu ăn thừa của Greenlife đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân khi triển khai. Tính đến nay, dự án này thu gom được hơn 50 lít dầu ăn thừa.
Em Nguyễn Thị Mỹ Linh – Quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Em thấy hình ảnh các bác vệ sinh xuống cống làm việc vất vả không an toàn nên khi thấy địa điểm này em tích lại và mang đến đây, em thấy ít nhất mình giảm được lượng rác, bớt đi gánh nặng cho các bác công nhân.”
Theo các chuyên gia môi trường, dầu mỡ thải là dầu mỡ động/thực vật có lẫn các hóa chất, dung dịch tẩy rửa trong nước thải phát sinh của quá trình sản xuất, kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến thực phẩm, giết mổ gia cầm, gia súc…
Khi lượng dầu mỡ này không được thu gom, xử lý đúng cách, chảy thẳng ra môi trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của con người và các loại động, thực vật khác.
Anh Hoàng Quý Bình – Nhà sáng lập Dự án Greenlife chia sẻ: “Hơn 50l đấy gửi cho công ty tái chế để tạo ra dầu sinh học, cứ 11l dầu ăn thừa thu được 10kg dầu. Từ đấy tạo ra nguồn tài nguyên tái chế. Bên thứ 3 có quy trình rõ ràng, minh bạch, dầu cặn mình lọc được xử lý tái chế theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam. Với bên thứ 3 chúng tôi xem giấy phép hoạt động, chứng chỉ ,chứng nhận tiêu chuẩn để lựa chọn đơn vị tái chế này là dài lâu.”
Anh Hoàng Phi Hùng – Công ty Fatsgreen cho biết: “Khi các bên như Greenlife, các nhà hàng, quán ăn thu gom dầu ăn để trong can và phi nhựa thì chúng tôi thu gom về công ty, sau đó chúng tôi lọc tạp chất bẩn, hóa chất khi sử dụng, đựng trong bồn chứa, khi châu Âu đặt hàng đựng trong túi an toàn để gửi. Dầu mỡ thừa sau khi tái chế sẽ sử dụng dầu… và …, dựa theo chứng từ của ISCC chúng tôi xác nhận mua dầu ăn qua người dân và nhà hàng, người ta cũng chỉ được bán cho công nghiệp.”
Dầu ăn thừa nếu không xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, gây ách tắc hệ thống thoát nước và hơn hết là chúng ta đang lãng phí một nguồn tài nguyên. Vì thế, thu gom và xử lý đúng cách dầu ăn thừa chính là góp phần vào bảo vệ môi trường, cải thiện cuộc sống của mỗi người.