Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại bão số 4-Noru

Khánh Linh|28/09/2022 11:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru).

tt.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Chính phủ.

Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4; Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương dự họp tại đầu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Dự họp tại điểm cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố.

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh mặc dù bão số 4 có cường độ mạnh, đổ bộ vào đất liền vào ban đêm, nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc, nỗ lực của các cấp, ngành và người dân nên việc phòng, chống bão đạt hiệu quả.

Thủ tướng triệu tập cuộc họp này nhằm đánh giá tình hình; dự báo diễn biến tiếp theo của bão lũ và các biện pháp phòng, chống, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; nhong chóng ổn định đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân; khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; góp khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo tiền phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo chung về tình hình, diễn biến của bão số 4; công tác phòng, chống bão; tổng hợp thiệt hại ban đầu; dự báo diễn biến tiếp theo của bão lũ và các biện pháp phòng, chống, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Đêm 27 và sáng ngày 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13.

Mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bổ vào đất liền vào ban đêm xong cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc đồng bộ, chính vì vậy đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

tt2.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dự hội nghị tại đầu cầu Ban Chỉ đạo tiền phương tại TP. Đà Nẵng.

Bước đầu ghi nhận chưa có thiệt hại về người, có 4 người bị thương; sập 3 nhà; hư hỏng, tốc mái 157 nhà; chìm 3 ghe nhỏ; 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện và 15 xã bị mất điện, hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp; gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai...

Kinh nghiệm của Quảng Ngãi: Không đợi thiên tai xảy ra mới chống

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã tạo tâm thế tự tin, quyết tâm và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho địa phương trong phòng chống bão, “luôn có Trung ương ở bên cạnh”. Tỉnh xác định phòng chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị, khi có thiên tai là cả xã hội vào cuộc với trách nhiệm cao nhất.

Tỉnh đã ban hành 4 công điện từ ngày 25/9, phân công từng đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy về chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó tại các địa phương. Phòng chống thiên tai thì không đợi thiên tai xảy ra mới chống, mà hằng năm phải tổng kết kinh nghiệm, những gì làm tốt thì phát huy, những gì làm chưa tốt thì khắc phục. Theo đó, phải làm tốt phương châm 4 tại chỗ. Việc sơ tán người dân không nhất thiết phải tập trung tại các điểm công cộng, mà khi kinh tế phát triển hơn, có thể sơ tán người dân tới các hộ dân có nhà cửa kiên cố, lo lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân. Thường xuyên hương dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc neo đậu tàu thuyền.

Với các địa phương có nguy cơ cô lập, phải chuẩn bị sẵn sàng nhu yếu phẩm, vật tư thiết yếu cho người dân. Xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể chính trong phòng chống bão lũ, nếu người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực thì nhất định thành công. Thông tin chính xác, kịp thời, thường xuyên.

Tỉnh xác định phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân, giảm thiểu thiệt hại tài sản của người dân và Nhà nước, bảo đảm an toàn các công trình quan trọng. Trước bão, tỉnh đã làm tốt công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, sơ tán dân, chằng chống nhà cửa; trong bão kêu gọi ai ở đâu yên đó; sau bão thì tập trung khắc phục hậu quả, nhất là về điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc.

Về ứng phó mưa lớn, kinh nghiệm là trong bão có mưa lớn nhưng sau bão mưa thường càng lớn, nguy cơ sạt lở và lũ lụt cao, đe dọa tính mạng người dân vùng núi; nên phải sơ tán người dân vùng có nguy cơ về nơi an toàn; thực hiện nghiêm, hiệu quả quy trình vận hành hồ chứa để điều tiết lũ… Kết quả ứng phó bão, đến giờ phút ngày, tỉnh chưa có thiệt hại về người, một số nhà cửa, công trình bị tốc mái. Tỉnh chủ động khắc phục hậu quả nhưng cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ công tác này.

Đà Nẵng: 3 bài học kinh nghiệm lớn trong phòng chống thiên tai

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cho biết, trước những diễn biến phức tạp của cơ bão số 4, Thành phố đã chủ động các phương án phòng chống bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do bão gây ra.

Theo thống kê, đến nay Đà Nẵng không có thiệt hại về người; có 7 ngôi nhà bị tốc mái, gần 2.000 cây xanh bị đổ; không có tàu thuyền nào hư hỏng nặng hoặc chìm. Việc cung cấp nước sinh hoạt và hoạt động giao thông đến thời điểm hiện tại đã trở lại bình thường.

Các cơ quan chức năng đang tích cực thu dọn cây xanh bị đổ gẫy, thực hiện vệ sinh môi trường, tập trung theo dõi, cảnh báo khu vực sạt lở để có những biện pháp kịp thời, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Qua công tác phòng chống bão số 4, Đà Nẵng rút ra 3 bài học kinh nghiệm lớn. Thứ nhất là cần quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có khả năng sạt lở bằng các biện pháp kiên quyết, kiên trì; cùng với bảo vệ tính mạng người dân là thực hiện tốt việc bảo đảm tài sản của người dân.

Thứ hai là thực hiện nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong công tác phòng chống bão lụt. Tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ động của người dân trong công tác phòng chống lụt bão để giảm thấp nhất rủi ro, thiệt hại về người và tài sản.

Thứ ba là sẵn sàng kích hoạt các phương án, kịch bản về phòng chống bão lụt và tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm để hoàn thiện các phương án, kịch bản này trên tinh thần phương châm 4 tại chỗ.

Quảng Nam: Cần dự báo, cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết: Xác định cơn bão rất nguy hiểm, nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó rất tập trung, quyết liệt, nhận thức của nhân dân nâng lên, đồng tình, ủng hộ rất cao. Đây là nguyên nhân quan trọng để không có thiệt hại về người, thiệt hại nông nghiệp thấp, chỉ có 2 tàu bị chìm, 4 tàu trôi và mắc cạn khi neo đậu. Các tuyến giao thông cơ bản được bảo đảm không bị ảnh hưởng. Mạng lưới viễn thông bị hư hại không đáng kể.

Tuy nhiên, 3.997 trạm biến áp mất điện do cột điện, đường dây ngã đổ. Tỉnh đang yêu cầu các hồ thủy điện vận hành phù hợp tình hình, bảo đảm an toàn hồ đập và cho hạ du. Các công trình thủy lợi, kè biển cơ bản không có sự cố, trong đó có hệ thống kè tại Cửa Đại, Hội An – một công trình quan trọng - vẫn được giữ vững.

Tỉnh đang lập 4 đoàn đi kiểm tra, khắc phục hậu quả bão.

Về kinh nghiệm, Quảng Nam chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, cập nhật hằng năm, phù hợp thực tế, diễn tập thường xuyên tại các địa bàn. Phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn rất cụ thể, nhất là với tình huống có địa bàn bị chia cắt. Thông tin, tuyên truyền cho người dân bằng mọi phương tiện, hình thức khác nhau như mạng xã hội, tin nhắn, loa truyền thanh, báo chí, truyền hình… để người dân nắm tình hình, diễn biến và lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp. Theo dõi chặt chẽ tàu thuyền, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc đi vào vùng an toàn. Tuy nhiên, khi có bão là có cá, nên nhiều tàu vẫn đánh bắt. Các hồ thủy điện phối hợp chặt chẽ, thống nhất rất cao với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp để vận hành nhịp nhàng.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, Quảng Nam, Kon Tum gần đây có động đất, tỉnh kiến nghị nghiên cứu, đánh giá thêm về nguyên nhân gây động đất. Đồng thời, cần sự tham gia của các nhà khoa học để dự báo, cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất tại các vùng núi để di dời người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại bão số 4-Noru
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.