Thừa Thiên - Huế chuẩn bị mọi nguồn lực thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn

Hồng Trang|29/07/2024 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Còn khoảng 5 tháng nữa, quy định xử phạt hành chính về hành vi không phân loại rác sinh hoạt (RSH) tại nguồn sẽ có hiệu lực. Các ngành chức năng ở Thừa Thiên - Huế đang chuẩn bị nhiều giải pháp, cơ sở vật chất để thực hiện hiệu quả việc phân loại rác trên địa bàn.

Ngày 1/1/2025 là thời gian chậm nhất áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, ban hành ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Đối với rác thải sinh hoạt, Nghị định này quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại RSH và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định thì bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Như vậy, phân loại RSH không phải là khuyến khích mà quy định bắt buộc thực hiện.

Về nguyên tắc phân loại, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải phân thành: Rác có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải sinh hoạt khác, chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, rác sau khi phân loại phải lưu giữ từng bao bì riêng và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, rác sau phân loại khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm làm phân bón, thức ăn chăn nuôi; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chỉ bàn giao chất thải khác cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

phan-loai-rac.jpg
TP. Huế được DA “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” đầu tư hỗ trợ thùng chứa rác để phân loại tại nguồn

Đến thời điểm này, việc phân loại RSH ở Thừa Thiên - Huế chưa cao. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại RSH chưa tốt, thì còn có nguyên nhân là các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải chưa đáp ứng yêu cầu…


Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, phân loại RSH tại nguồn là yêu cầu bắt buộc, việc này không chỉ giúp giảm chi phí xử lý chất thải, mà còn tận dụng khối lượng lớn chất thải có khả năng tái chế, sử dụng làm phân bón hữu ích. Thế nhưng việc phân loại RSH tại nguồn ở các địa phương đến nay vẫn chưa như kỳ vọng.

Khắc phục những hạn chế trên, hiện nay UBND tỉnh Thừa thiên - Huế đã ban hành nhiều văn bản, đề ra các giải pháp khắc phục. Đó là yêu cầu địa phương rà soát, bố trí quỹ đất, nguồn vốn đầu tư các trạm trung chuyển, điểm tập kết rác thải. Tăng cường bố trí nguồn lực đầu tư phương tiện, thùng rác chứa các loại chất thải rắn sinh hoạt để thuận lợi cho người dân tập kết, giao chất thải. Tổ chức triển khai đến từng gia đình cam kết thực hiện phân loại RSH tại nguồn, bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Xây dựng kế hoạch thông báo cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu sử dụng chất thải thực phẩm trên địa bàn đăng ký tại cấp xã, phường để đón nhận… Điều quan trọng hơn nữa là các ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức mọi người, mọi nhà về phân loại RSH tại nguồn.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên - Huế chuẩn bị mọi nguồn lực thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn