Ông Lê Văn Lương năm nay 70 tuổi, nguyên là Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 5 nhớ lại đợt hạn kỷ lục xảy năm 1985 ở Huế: “Chính quyền cho xe bồn chở nước từ Phú Bài, cách TP Huế hơn 10km về để cung cấp cho dân.
Nhà tôi hồi đó may không ai phải nhập viện vì còn có bồn dự trữ nước ngọt dành riêng cho việc ăn uống, còn thì tắm rửa vẫn phải dùng nước mặn, nhưng nhiều nhà do không có bồn dự trữ liền bị đau bụng, nhập viện ngay.
Trên loa đài hồi đó ra rả: 'Do hạn nên nước biển tràn vào, sông Hương bị nhiễm mặn, nhà máy nước không xử lý được. Người dân không nên dùng nước máy để uống vì sẽ bị bệnh đường ruột'. Có người biết, có người không nên vẫn bị…”.
Ông Lương bảo, vùng nam sông Hương có hệ thống trạm bơm để mùa nước cạn sẽ hút lên tưới nhưng thường bị xâm nhập mặn mỗi năm 2 - 3 tháng.
Năm 1985 mặn kỷ lục, không thể lấy nước vào ruộng được, nhiều cánh đồng ở huyện Phú Vang hay quanh TP Huế nẻ đến mức đút được cả bàn tay xuống được. Sứa nổi lều bều trên sông Hương, nước mặn xâm nhập lên đến tận ngã ba Tuần, qua Huế khoảng 7km làm đảo lộn sinh hoạt của cả thành phố.
Nhiều người phải chạy lên các chùa, về các làng ven đô để chở nước ngọt về ăn, còn sinh hoạt phải dùng nước máy nhiễm mặn, tắm xong là đầu tóc rối bù và sờ vào da cứ rít rịt vì muối bám.
Người nào không có thời gian đi xin nước ngọt hay không có tiền để mua đành phải cố uống thứ nước lờ lợ ấy. Càng uống vào lại càng khát, cộng thêm thêm cái nóng như thiêu đốt của mùa hè, cổ bỏng rát và bụng đau ngay lập tức.
Dự án nâng cấp đập Thảo Long, xã Phú Thanh (thành phố Huế) nằm trong dự án sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn hồ, đập chứa nước, với 38 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư 1.470 tỷ đồng triển khai tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo đó, Dự án nâng cấp đập Thảo Long, xã Phú Thanh (thành phố Huế) có tổng mức đầu tư hơn 120 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án nâng cấp các hạng mục xử lý chống thấm phía thượng lưu từ khoang số 8 đến khoang số 10, gia cố lòng dẫn hạ lưu cống nhằm đảm bảo an toàn. Xây dựng và lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc, hệ thống điện điều khiển mới với thiết bị và công nghệ hiện đại. Sửa chữa nâng cấp nhà quản lý, hệ thống điện vận hành và điện chiếu sáng khu quản lý công trình. Ngoài ra, sẽ thay mới 1 cửa van khoang đập, cửa van âu thuyền và thiết bị đóng mở...
Công trình đập Thảo Long được khởi công tháng 8/2001 và khánh thành đưa vào khai thác cuối năm 2008, với tổng vốn đầu tư 152 tỷ đồng. Công trình có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt và phối hợp với các hồ thủy lợi Tả Trạch, hồ thủy điện Bình Điền thực hiện điều tiết, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, dân sinh cho toàn bộ vùng hạ du sông Hương.
Công trình đập Thảo Long có chiều rộng thông nước 472,5m, với 15 khoang, mỗi khoang rộng 31,5m. Ngoài cầu giao thông, hệ thống đập còn có một âu thuyền dài 53m, rộng 8m. Hệ thống đập đảm bảo giao thông thủy trọng tải thuyền 50 tấn và cầu đường bộ cho phép xe 13 tấn đi qua. Theo các chuyên gia đánh giá đây là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á.
Theo Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế, đơn vị quản lý cho biết: Hơn 13 năm đưa vào khai thác, vận hành nhiều hạng mục công trình đập Thảo Long đã bị rỉ rét, xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến quá trình vận hành và hiệu quả công trình. Một số thiết bị cơ khí bị thủng, ôxy hóa, hệ thống điện phục vụ vận hành xuống cấp không đảm bảo yêu cầu sử dụng. Phần thủy công, dầm đáy bằng bê tông phục vụ ngăn mặn giữ ngọt cũng bị xói mòn gây rò rỉ nước… Cử tri cũng đã nhiều lần kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa để tránh tình trạng xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất cho nhân dân.