Thừa Thiên - Huế: Hình thành chuỗi sản phẩm lâm nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường

Hà My|01/12/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Không chỉ khuyến khích chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn đẩy mạnh phát triển diện tích, nâng cao chất lượng và hiệu quả trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, nhằm hình thành chuỗi sản phẩm lâm nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

30-rung-go-lon.png
Trồng rừng gỗ lớn không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Hiện, Thừa Thiên - Huế đang đẩy mạnh các giải pháp để phát triển diện tích, nâng cao chất lượng và hiệu quả trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, nhằm hình thành chuỗi sản phẩm lâm nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Đây là địa phương có tiềm năng và lợi thế sản xuất kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC. Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 99.000 ha rừng trồng, với sản lượng khai thác hằng năm đạt khoảng 600.000 m3. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cho phép hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đẩy mạnh tuyên truyền và chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu từ rừng, nhất là các hộ dân tại các vùng núi và vùng gò đồi.

Từ năm 2016, Chi hội Chủ rừng phát triển bền vững Tân Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền đã triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, tổng diện tích rừng trồng của chi hội đạt hơn 390 ha với 219 hội viên tham gia; trong đó, có 360 ha đã được công nhận và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Qua quá trình triển khai mô hình, ngoài hiệu quả về môi trường, việc trồng rừng gỗ lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với rừng gỗ nhỏ.

Theo ông Đặng Văn Nông, Chi hội trưởng Chi hội Chủ rừng phát triển bền vững Tân Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, trước đây trồng rừng gỗ nhỏ, khoảng 3 - 5 năm sẽ cho thu hoạch, doanh thu đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Sau khi chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn, mỗi ha rừng cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, khi tham gia trồng rừng gỗ lớn, Chi hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức trồng rừng, bảo vệ môi trường rừng, đất. Nhận thấy lợi ích từ rừng gỗ lớn, trong chi hội không có người bán rừng gỗ non, mà kiên quyết để rừng gỗ lớn, rừng dài năm hơn mới thu hoạch.

Để hỗ trợ về kỹ thuật và tiếp cận nguồn vốn cho người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị. Các hợp tác xã này có vai trò trực tiếp cung cấp các dịch vụ lâm nghiệp như phân bón, cây giống, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong suốt quá trình trồng và quản lý theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 25 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững.

Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên – Huế Võ Văn Dự cho biết, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế lũ lụt, sạt lở đất. Để duy trì chứng chỉ và nâng cao giá trị gia tăng từ rừng trồng, cùng với việc đầu tư phát triển diện tích trồng rừng FSC, các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững cần phải tập trung vào mảng chế biến gỗ, lâm sản để nâng cao giá trị gia tăng và bảo đảm kết nối tiêu thụ toàn bộ sản phẩm đầu ra. Đồng thời, tiến đến hình thành Liên hiệp các Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững nhằm thúc đẩy, hỗ trợ cho người dân tiêu thụ nội địa và trực tiếp xuất khẩu gỗ ra thị trường nước ngoài.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn 16.000 ha; trong đó diện tích rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC chiếm phần lớn (khoảng 11.000 ha). Riêng diện tích rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC của các hộ thành viên đạt hơn 6.600 ha, với 1.208 hộ.

Đặc biệt, tỉnh đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC với Công ty Scansia Pacific. Công ty đã ký thỏa thuận hợp tác và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ keo có đường kính đầu nhỏ 13cm trở lên có chứng chỉ FSC. Giá thu mua gỗ có chứng chỉ FSC cao hơn so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 10 - 20% tùy theo chất lượng sản phẩm gỗ.

Mặc dù rừng trồng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu song việc phát triển rừng trồng gỗ lớn nói chung và rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý bền vững FSC đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là việc thị trường thu mua gỗ dăm và viên nén thời điểm này có giá tăng cao, nhiều chủ rừng có ý định kinh doanh ngắn ngày để thu lợi nhuận; ngoài giá cả các chủ rừng còn lo ngại về bão gió trong tình hình biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng rừng sản xuất, chăm sóc thâm canh rừng trồng gỗ lớn chậm đi vào thực tiễn; Nhiều hộ dân sử dụng nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn, trồng rừng gỗ lớn là xu hướng tất yếu trong thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, ngành nông nghiệp cần phải phối hợp với các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia trồng rừng gỗ lớn, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng có chứng chỉ FSC.

Bên cạnh việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ngành nông nghiệp phải khuyến khích người dân sử dụng giống có nguồn gốc, chất lượng để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng.

Với Thừa Thiên - Huế, ông Tuấn cho hay địa phương này đang nghiên cứu, thử nghiệm chính sách bảo hiểm rừng trồng để tạo thuận lợi và bà con yên tâm hơn trước ảnh hưởng của thiên tai, bão gió. Tỉnh cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược như hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chứng sách về lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ theo chuỗi giá trị gỗ rừng trồng; củng cố các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật về thâm canh rừng gỗ lớn, mô hình trồng cây lấy ngắn nuôi dài; hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung; nghiên cứu chọn, tạo và phát triển các giống cây trồng lâm nghiệp ưu thế, phù hợp với điều kiện của địa phương vì mục tiêu phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Theo ông Tuấn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phấn đấu giai đoạn 2021-2025 phát triển thêm khoảng 9.900 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo; trong đó có khoảng 1.200 ha rừng trồng đạt tiêu chuẩn rừng trồng gỗ lớn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bài liên quan
  • Tìm giải pháp trồng rừng gỗ lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ
    Đại diện 5 tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã cùng đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn; đưa ra các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên - Huế: Hình thành chuỗi sản phẩm lâm nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.