Thúc đẩy cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam

Vân Khánh|06/05/2020 01:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhằm thúc đẩy việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại Việt Nam, tháng 4/2019 Việt Nam đã chính thức thành lập, đưa vào hoạt động Văn phòng chứng chỉ rừng.

Đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn quốc đạt 269.163 héc-ta trên địa bàn 24 tỉnh, trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam là 10.000 héc-ta. Diện tích được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong năm 2019 là gần 43 nghìn héc-ta.

Năm 2019, cả nước đã trồng được gần 240 nghìn héc-ta rừng, vượt 12,6% kế hoạch năm. Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng 11 nghìn héc-ta; rừng sản xuất 227 nghìn héc-ta. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp và các địa phương đã tích cực trồng cây phân tán, chăm sóc hiệu quả rừng trồng và tập trung khoán bảo vệ rừng. Đáng chú ý, năm 2019, công tác khoán bảo vệ rừng cả nước đã đạt hơn sáu triệu héc-ta.

Việc trồng rừng tại các địa phương đã có quy hoạch, tạo sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người trồng rừng. Trong năm qua, các địa phương đã sản xuất được hơn 600 triệu cây giống, trong đó cây gieo ươm từ hạt là 500 triệu cây (gồm keo tai tượng, thông mã vĩ, hồi, lát hoa, quế, mỡ, lim xanh, bồ đề, sa mộc) và 150 triệu cây mô hom. Công tác kiểm soát chất lượng giống cây trồng rừng đã đạt 85%. Diện tích rừng trồng chưa được kiểm soát chất lượng chủ yếu do cá nhân, hộ gia đình tự đầu tư, tự chuẩn bị cây giống trồng rừng. Quan trọng hơn, nhằm phục vụ công tác xuất khẩu gỗ và lâm sản, từ năm 2014 đến hết năm 2019, cả nước đã trồng được hơn 230 nghìn héc-ta rừng trồng thâm canh gỗ lớn.

Rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của các hộ dân liên kết với Công ty Công ty CP Xuân Sơn, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa)

Trong năm nay, để phấn đấu cả nước trồng rừng đạt 220 nghìn héc-ta, ngành lâm nghiệp đang sát sao chỉ đạo các địa phương tích cực trồng rừng tập trung theo quy hoạch và chứng chỉ rừng quốc gia, đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn ven biển, phát triển diện tích rừng sản xuất có sẵn để bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, theo quy định phục vụ ngành chế biến, sản xuất gỗ và lâm sản tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đạt giá trị cao.

Phối hợp PEFC để lựa chọn đơn vị đánh giá Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, Chứng chỉ rừng quốc gia. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp phối hợp Tập đoàn Cao-su Việt Nam để thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho ba công ty cao-su với tổng diện tích là 52.600 ha, trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng là 11.800 ha theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Chánh Văn phòng Chứng chỉ rừng quốc gia cho rằng, chứng chỉ rừng của Việt Nam rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu “sạch” cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá, thì việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng của Việt Nam vẫn còn chậm.

Nguyên nhân cấp chứng chỉ rừng chậm, chủ yếu là do các vướng mắc điều kiện về đất đai liên quan đến quyền sử dụng rừng và đất rừng, nguồn kinh phí cho các hoạt động cấp và duy trì chứng chỉ rừng lớn, nhất là đối với diện tích rừng nhỏ, manh mún.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi của các ngân hàng gần như không thực hiện được…

Đến nay, Văn phòng chứng chỉ rừng bền vững đã ban hành nhiều tài liệu, hướng dẫn liên quan đến vận hành hệ thống, trong đó có sự phối hợp với văn phòng kiểm định chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ và tổ chức đánh giá tạm thời (GFA).

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay đã triển khai áp dụng thực hiện Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của Việt Nam với 7 nguyên tắc, 34 tiêu chí và 122 chỉ số để đảm bảo khu rừng đó được quản lý bền vững trên 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Bộ tiêu chuẩn này cũng đã được thể chế hóa tại Thông tư số 28/2018/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phát triển rừng bền vững.

Vân Khánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thúc đẩy cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.