Ngày 15/5, tại TP. Cần Thơ, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120 này trong những năm qua đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Tuy vậy, cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mê Công khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng. Những thách thức mà vùng ĐBSCL đã và đang đối mặt không chỉ ảnh hưởng tới vùng, mà còn ảnh hưởng đến cả quốc gia. Từ thực tế nêu trên đặt ra yêu cầu, ngay lúc này cần phải có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời để ứng phó hiệu quả với BĐKH.
"Thời gian qua, với vai trò là đô thị trung tâm của vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ luôn trăn trở trước những thiệt hại, hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra với địa phương và cả vùng. Hôm nay, UBND TP. Cần Thơ phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng và Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn tổ chức Hội thảo thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, sự chung tay và quyết tâm tìm giải pháp ứng phó hiệu quả của TP. Cần Thơ và của vùng ĐBSCL” - ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ thông tin thêm.
Cũng tại Hội thảo, ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phòng cho rằng, ĐBSCL đã được biết đến là vựa lương thực của cả nước, là giỏ thực phẩm của toàn cầu, bởi nơi đây có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu. Trong những năm qua, ĐBSCL cũng đã đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với hơn 94% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Cũng theo ông Tăng Hữu Phong, mặc dù là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia, nhưng ĐBSCL lại là vùng đất rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mê Công… khiến cho vùng ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng.
"Theo dự báo, mức độ tác động và những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với ĐBSCL sẽ còn tăng lên, nếu ngay lúc này không có các giải pháp căn cơ, cấp thiết. Từ những trăn trở này, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ ĐBSCL” nhằm góp phần đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng ĐBSCL thích nghi, ứng phó hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới" - ông Tăng Hữu Phong cho hay.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, chia sẻ và nêu ra những thách thức của vùng ĐBSCL có liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, sụt lún, sạt lở đất, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt; đồng thời, đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo vệ nguồn nước, phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp,… nhằm góp phần giúp vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Giảng viên Cao cấp Khoa môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, khô hạn và xâm nhập mặn là hiện tượng bình thường hằng năm vùng ven biển ĐBSCL, nhưng hơn 2 thập niên qua, hiện tượng này có xu thế gia tăng, có năm trở nên cực đoan và gây nhiều khó khăn cho sản xuất, sinh kế cộng đồng và sinh thái vùng ven biển.
Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, để đối phó với vấn đề hạn, mặn ở vùng ĐBSCL, trước mắt cần phải thường xuyên cập nhật theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, quan trắc, điều chỉnh thời vụ và sử dụng nước tiết kiệm; đẩy mạnh phát triển mô hình thuận thiên một cách thông minh như mô hình luân canh lúa - tôm. Vào mùa mưa, có đủ nước ngọt người nông dân trồng lúa. Còn vào mùa khô, nước bị nhiễm mặn thì lấy vào nuôi tôm, rơm rạ phân hủy từ cây lúa là thức ăn của tôm và chất thải hữu cơ của tôm là phân bón cho cây lúa.
"Về chiến lược lâu dài, cần giảm diện tích lúa chuyển sang thuỷ sản rau màu và cây ăn trái, tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn; phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng, xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm..." - PGS.TS. Lê Anh Tuấn góp ý thêm.
Còn PGS.TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thuỷ lợi miền Nam nhận định, ĐBSCL đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được, bao gồm việc phát triển thượng lưu Mê Công làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; và tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng. Dưới các tác động lớn với mức độ ngày càng tăng, ĐBSCL đang dần được định hình lại so với lịch sử, với các đặc trưng cơ bản mới bất lợi hơn rất nhiều so với tự nhiên như trước đây.
Theo PGS.TS. Trần Bá Hoằng, ĐBSCL không thiếu nước, trong mùa khô, nước vẫn về ĐBSCL từ 60-70 tỷ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m3. Vấn đề ở đây là làm sao giữ nước để sử dụng. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp là cần trữ nước trong hệ thống kênh, rạch các cấp của hệ thống thủy lợi, trữ nước trong mương vườn, trữ nước trên ruộng...; đồng thời hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất; xây dựng các công trình để kiểm soát nguồn nước, xâm nhập mặn.
Đề cập đến chuyển đổi kinh tế xanh kết hợp nâng cao sức chịu đựng thiên tai của doanh nghiệp và năng lực thích ứng của cộng đồng tại vùng ĐBSCL, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, với cây lúa, cây dừa, ĐBSCL cũng có tiềm năng lớn phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong nông - lâm - thực phẩm, ĐBSCL có thể cung cấp nguồn nông sản sạch các khu vực đô thị như TP. HCM. Mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với phụ phẩm ngành, cùng với đó là phát triển kinh tế số blockchain, truy suất nguồn gốc, chuỗi cung ứng, phục hồi rừng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, các nguồn gen và văn hóa bản địa. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon rừng, nông nghiệp cũng là tiềm năng lớn của vùng.
“Kinh tế tuần hoàn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu của thế giới. Vùng ĐBSCL hiện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững. Do đó, ĐBSCL cũng cần lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các kế hoạch, quy hoạch của cả vùng và của từng địa phương trong vùng ĐBSCL” - PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân khuyến nghị.