Chuyển đổi xanh

Tín dụng xanh – Đòn bẩy tài chính cho phát triển bền vững

Phúc Minh 13/04/2025 08:05

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, tín dụng xanh đang trở thành công cụ tài chính quan trọng, thúc đẩy các dự án đầu tư thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Theo Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tín dụng xanh là khoản tín dụng được cấp cho các dự án sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, cải thiện môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và tạo ra các lợi ích khác cho môi trường.

tin-dung.jpg
Ảnh minh họa

Nhằm thúc đẩy hình thức tín dụng này, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ưu tiên nguồn vốn cho các dự án thuộc danh mục “xanh”. Theo đó, các tổ chức này được hưởng các ưu đãi như: tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế; được hỗ trợ đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ cấp tín dụng xanh.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, tín dụng xanh cũng tiềm ẩn những rủi ro môi trường nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, quy định rõ các nguyên tắc quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Cụ thể, tổ chức tín dụng phải thực hiện đánh giá rủi ro môi trường khi thẩm định dự án vay vốn, xác định điều kiện cấp tín dụng và có biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng có thể sử dụng kết quả đánh giá rủi ro từ các đơn vị cung cấp dịch vụ đánh giá môi trường độc lập hoặc từ các ngân hàng khác theo hợp đồng dịch vụ.

Thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao, vượt mức tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tín dụng xanh phát huy hiệu quả thực chất, cần có chính sách đồng bộ, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường tài chính trong nước, đi đôi với công tác kiểm soát rủi ro và giám sát môi trường chặt chẽ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tín dụng xanh – Đòn bẩy tài chính cho phát triển bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.