Phát biểu kết luận cuộc họp ngày 24/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tuần qua TP ghi nhận hai chuỗi lây nhiễm cộng đồng với 5 ca nhiễm COVID-19 mới.
Kết quả giải trình tự gene của cơ quan chức năng cho thấy cùng lúc TP.HCM phải ứng phó với hai biến thể của virus SARS-CoV-2 là biến thể của Anh và Ấn Độ. “Biến thể Ấn Độ rất nguy hiểm, lây lan nhanh và khó chữa trị”, ông Phong nhấn mạnh.
Chính vì thế, trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị người đứng đầu các quận huyện, TP.HCM và các sở ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND TP về tạm dừng các hoạt động một số loại hình dịch vụ để phòng chống dịch COVID-19.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ở cơ quan, đơn vị mình, khi có dấu hiệu ho, sốt và khó thở thì phải ở nhà, không lên cơ quan và làm theo các hướng dẫn của cán bộ y tế.
“Vì dịch chuyển biến khó lường nên chúng ta phải chú ý việc này”, ông Phong nói và đề nghị cần làm việc trực tuyến, làm việc tại nhà.
Ông Phong cũng yêu cầu từ ngày 25/5, khách đến các cơ quan công sở liên hệ công tác, làm việc phải khai báo y tế. Mỗi cơ quan, đơn vị cố gắng có tổ COVID-19 để kiểm soát khách ra vào trụ sở. Cạnh đó, cần phát huy tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, công chức trong việc liên quan đến phòng chống dịch thì phải giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh.
Tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ đầu mối… phải giãn cách, mua theo nhóm và hạn chế tập trung đông người. Đẩy mạnh công tác hậu kiểm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các điểm có nguy cơ cao mà ngành Y tế đã xác định như chung cư, nhà trọ, trước cổng bệnh viện, nhà ga, bến xe, sân bay…
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị phối hợp với Sở Nội vụ chuẩn bị sẵn sàng cho Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 đi vào hoạt động.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó tuyên truyền người dân bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Khuyến cáo những người trên 60 tuổi hạn chế ra đường do khả năng đề kháng của người cao tuổi yếu.
Đối với Sở Y tế, ông Phong yêu cầu rà soát lại tất cả các quy trình phòng chống dịch tại các cơ sở y tế và thực hiện các giãn cách trong bệnh viện, trong đó chú ý những người đi thăm nuôi người bệnh. “Hạn chế tối đa người thăm nuôi. Nếu có trường hợp nào cần thăm nuôi thì chỉ cần 1 người thôi và phải kiểm soát chặt chễ”, ông Phong nói.
Ông cũng yêu cầu Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các bệnh viện yêu cầu các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải cài đặt ứng dụng Bluezone nếu có thiết bị di động, còn nếu không có phải áp dụng các hình thức khác. Bệnh viện nào có điều kiện thì trang bị bộ nhận diện khuôn mặt.
Riêng Ban Quản lý Khu công nghiệp – Khu chế xuất, ông Phong yêu cầu phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giảm, tách giờ làm việc vào buổi sáng và giờ tan ca buổi chiều. Việc này nhằm giảm mật độ người làm việc quá đông trong cùng một thời điểm.
Cùng với đó, tổ chức phương án diễn tập ứng phó với tình huống dịch xảy ra tại khu công nghiệp, khu chế xuất. “Những phương án này không bao giờ thừa. Trong số 2.221 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng bắt đầu từ ngày 27-4, thì 66,2% là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nếu xuất hiện ca nhiễm ở một doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn, thì lúc đó buộc doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến dây chuyền sản xuất và thu nhập của người lao động” – ông Phong nói.
Đối với Công an TP.HCM, ông Phong đề nghị phối hợp với các quận huyện, TP Thủ Đức và các sở ngành rà soát lại các lao động nước ngoài được cấp giấy tờ nhập cảnh vào làm việc với các doanh nghiệp. Tổ chức truy quét, kiên quyết không để sót lọt người nhập cảnh trái phép.
Minh Hạnh