Sông Sài Gòn và hệ thống gần 2.000 kênh rạch trong địa bàn TP.HCM không chỉ có vai trò quan trọng để hình thành văn hóa sông nước, kết nối TP.HCM với ĐBSCL mà còn trong hình thái đô thị, cải thiện khí hậu và môi trường, những vấn nạn của tình trạng đô thị hóa quá nhanh hiện nay.
Nhận diện các thách thức, nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện để tìm ra giải pháp phù hợp cho tầm nhìn phát triển thành phố đến năm 2035 chính là những đặt hàng của TP.HCM với các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tham dự sự kiện đặc biệt này.
Bờ sông Sài Gòn chạy dọc đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM mỗi đoạn một cảnh quan khác nhau, không đồng nhất – Ảnh: Quang Định
Hai vấn đề lớn được tập trung trong hội thảo là quy hoạch, thiết kế, xây dựng, tư duy lập công tác quy hoạch phù hợp với thực tế của TP.HCM trên nền tảng mục tiêu quy hoạch chung, nâng cấp cơ sở hạ tầng sẵn có, đảm bảo yêu cầu kinh tế – kỹ thuật – thẩm mỹ đồng thời với bảo tồn cảnh quan di sản và xây dựng các chính sách, giải pháp để thực hiện các giải pháp này.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại trước tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm trái phép, gây ô nhiễm sông rạch đang diễn ra phổ biến tại TP HCM.
Các cơ quan thực hiện các dự án liên quan đến sông, kênh cũng không đồng bộ với nhau, mạnh ngành nào nấy làm. Ví dụ như dự án đê bao chưa kết hợp với việc cải tạo cảnh quan, môi trường hay khai thác du lịch… Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm hành lang sông rạch để xây dựng, khai thác trái phép còn phổ biến mà chính quyền chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Theo các chuyên gia, thách thức mà TP.HCM gặp phải cũng là vấn đề chung của các đô thị bên sông trên thế giới. Tiềm năng phát triển đô thị dọc theo 111,8km sông Sài Gòn thuộc địa phận thành phố cũng như trên gần 2.000 tuyến kênh rạch là rất lớn. Tuy nhiên, để đánh thức tiềm năng này và biến những lợi thế thành hiệu quả thực tế, TP.HCM cần quan tâm đến những vấn đề lớn.
Nhiều chuyên gia quốc tế giới thiệu các mô hình quản lý, quy hoạch kiến trúc hiệu quả tại Singapore, Seoul, New York, Thượng Hải. Một số kinh nghiệm được chỉ ra là phát triển cảnh quan dọc theo bờ sông phải lấy dòng sông làm điểm nhấn, thiết kế những đô thị nhạy cảm với nước.
Tổng chiều dài hệ thống sông, kênh rạch của TP HCM là 7.955 km, mặt nước chiếm khoảng 16% diện tích thành phố. Hệ thống này đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa gây nên tình trạng nước biển xâm lấn, sạt lở, sụt lún.
Lê Hạ (t/h)