Ngày 16/10, đoàn khảo sát nhóm 3 của Ban Chỉ đạo tổng kết T.Ư (lĩnh vực văn hóa - xã hội và con người), do Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa làm trưởng đoàn, làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, buổi khảo sát đã làm rõ thêm một bước về sự phát triển nhận thức của Đảng bộ TPHCM trong phát triển văn hóa-xã hội và xây dựng con người Việt Nam từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là trong 10 năm gần đây.
Đồng thời, đặt ra dự báo bối cảnh mới về phương hướng, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; có kiến nghị và đề xuất giải pháp đột phá nhằm phát triển văn hóa-xã hội và con người Thành phố và đất nước.
Nhiều ý kiến đã phân tích làm rõ hơn về thực trạng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa-xã hội và con người Việt Nam trong quá trình đổi mới trên địa bàn Thành phố, nhất là những thành tựu nổi bật và cách làm sáng tạo của Thành phố.
Trên cơ sở đánh giá chung về đường lối phát triển văn hóa-xã hội và con người, dự báo bối cảnh trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra, TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đề xuất một số quan điểm đổi mới, có định hướng giải pháp.
Khẳng định phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người là chủ trương lớn, thống nhất, xuyên suốt của Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn sau cuộc làm việc, đoàn khảo sát và TP Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu sâu, nghiên cứu kỹ để không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa-xã hội và con người trong phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
"Chúng ta cùng nhau suy nghĩ, tìm tòi, đề xuất, hiến kế những giải pháp mang tính đột phá về văn hóa-xã hội và con người, không chỉ áp dụng cho TP Hồ Chí Minh mà còn cho cả nước", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, phía sau những con số, kết quả mà TP Hồ Chí Minh đạt được trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, con người là một quá trình chuyển động mạnh mẽ về nhận thức, tư duy, mạnh dạn sáng tạo, đi đầu của Thành phố trong từng giai đoạn phát triển của đất nước cũng như quá trình đổi mới về quan điểm, lý luận, tư tưởng của Đảng.
Với bối cảnh, điều kiện khác biệt về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…, Thành phố cũng là nơi thử nghiệm những cơ chế, chính sách đột phá, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn phát triển.
"Từ thực tiễn đổi mới, Thành phố cần tiếp tục đánh giá, đúc rút thành bài học kinh nghiệm, lý luận cho cả nước, đồng thời đề xuất những chính sách, tầm nhìn đột phá cho riêng Thành phố", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Thành phố cần chú trọng tổng kết các nội dung về chính sách xã hội trong mối quan hệ với phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh có nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mặt trái của kinh tế thị trường, cơ sở hạ tầng bất cập…
"Chúng ta cần tiếp cận chính sách xã hội theo hướng tổng thể, bao trùm, gắn với định hướng, lý luận về phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh", Phó Thủ tướng gợi mở và đề nghị Thành phố tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về nội hàm, khái niệm, các công cụ chính sách xã hội.
Tại buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ, thành tựu 40 năm qua của Thành phố không thể kể hết, trong đó nổi bật là thành tựu về văn hóa, giáo dục, KH&CN, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhưng cũng phải thừa nhận rằng, thành tựu chưa ngang tầm với phát triển kinh tế. Đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội và con người chưa tương xứng và thiếu đồng bộ.
Cũng theo Bí thư Thành ủy, suốt 40 năm qua, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã viết về văn hóa, con người TP Hồ Chí Minh. Đây là một kho tàng quý giá và đồ sộ. Vì vậy, ngoài việc tổng kết công tác quản lý, các cơ quan cần tìm đọc, nghiên cứu thêm những tài liệu này để hiểu sâu sắc hơn hệ giá trị văn hóa xuyên suốt chặng đường phát triển của Thành phố.
Ông Nên cũng khẳng định, TP Hồ Chí Minh luôn xây dựng văn hóa-con người Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hội nhập quốc tế, giữ được cốt cách, bản sắc vốn có của vùng đất Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn-TP Hồ Chí Minh.
Vấn đề đặt ra, theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, là phải đổi mới tư duy quản lý văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đồng thời không ngừng hoàn thiện các chính sách cho phù hợp.
"Thành phố đang ra sức tập trung xây dựng môi trường văn hóa đi đôi với giáo dục công dân, xem đây là điều cốt lõi để hình thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Xây dựng môi trường bình đẳng, công bằng, nhân ái để mọi người tự hào là người dân Thành phố", người đứng đầu Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định.