UBND TP Hồ Chí Minh vừa trình Bộ GTVT về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề nghị tiếp tục thực hiện di dời, chuyển đổi công năng các cảng trên sông Sài Gòn.
Ảnh minh họa – Dân trí
Theo đó, bến cảng Tân Thuận, quận 7, khu bến Nhà Rồng, bến Khánh Hội… sẽ được di dời để lấy mặt bằng thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, cũng như giải quyết tình trạng kẹt xe.
Khu cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai, được đề xuất nghiên cứu phát triển thêm khoảng 600m cầu cảng tại tại khu đất tiếp giáp bến cảng Tân cảng Phú Hữu (thuộc cảng Bến Nghé, quận 9) về phía hạ lưu, trong khi bến cảng container Quốc tế SP-ITC vẫn giữ nguyên 670 m cầu cảng hiện hữu, không xây thêm 200m cầu cảng tiếp giáp rạch Ông Nhiêu.
Khu cảng biển Hiệp Phước trên sông Soài Rạp giữ nguyên qui hoạch trong khi luồng hàng hải Soài Rạp đảm bảo tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 tấn đầy tải và 50.000 tấn giảm tải, và sẽ nghiên cứu đầu tư giai đoạn tiếp theo khi thực sự có nhu cầu…
Một số cảng biển tiếp tục hoạt động theo hiện trạng, không cải tạo nâng cấp, mở rộng và nghiên cứu di dời sau năm 2020. Đồng thời, bổ sung quy hoạch cảng container, cảng tổng hợp và cảng hàng rời tại 3 vị trí ở huyện Cần Giờ cho các tàu có trọng tải lớn.
Cụ thể, thứ nhất là tại xã Bình Khánh, dự kiến qui hoạch cảng biển có diện tích 250 hecta cho tàu 30.000 – 50.000 tấn vì vị trí này kết nối giao thông thuận lợi với cao tốc Bến Lức – Long Thành (đang thi công).
Vị trí thứ 2 tại xã Long Hòa, diện tích khoảng 150 hecta cho tàu chở hàng có trọng tải đến 150.000 tấn và tàu khách quốc tế có tải trọng đến 200.000 GT.
Vị trí thứ 3 là thuộc địa phận cù lao Ông Chó huyện Cần Giờ dự kiến qui hoạch cảng biển tại đây có diện tích 100 hecta cho tàu trọng tải 200.000 tấn cập cảng.
Theo Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh, trong 5 năm gần đây, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố đạt hơn 166,3 triệu tấn, thậm chí đã vượt quy hoạch đến năm 2030.
Nam Anh