Ông Bùi Văn Mừng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Trà Vinh cho biết, để ứng phó với tình hình trên, đơn vị phân công nhân viên quản lý trạm cấp nước áp dụng biện pháp theo dõi thủy triều, con nước để bơm nước theo giờ thủy triều xuống thấp; bơm từ khu vực nước ngọt cấp cho khu vực bị ảnh hưởng hạn mặn. Trung tâm tăng cường tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm trong mùa hạn mặn; trang bị dụng cụ trữ nước an toàn như lu, bể chứa, bồn chứa...
Trước đó, để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch phục vụ người dân mùa khô năm nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Trà Vinh đã triển khai Dự án công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, với gần 40.800 hộ được hưởng lợi từ dự án. Trung tâm cũng xây dựng bờ kè và hồ lắng trạm cấp nước xã Nhị Long (huyện Càng Long); duy tu, sửa chữa các trạm cấp nước xuống cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng.
Từ nguồn vốn sự nghiệp, đơn vị chuẩn bị hơn 30.000 m ống dự trữ ở kho sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. Địa phương nào có nhu cầu cấp nước thì tiến hành khảo sát, UBND xã tổ chức họp dân để thống nhất đấu nối đồng hồ sử dụng, Trung tâm sẽ đầu tư mở rộng tuyến ống cấp nước cho người dân sử dụng.
Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Trà Vinh đang quản lý khai thác 112 trạm cấp nước, với gần 4.800 km ống nước hiện hữu các loại, phục vụ cho 176.474 hộ dân. Tuy nhiên, hiện có khoảng 31.000 hộ không sử dụng nước máy, trên tuyến ống hiện hữu vẫn còn gần 15.000 hộ chưa tham gia lắp đồng hồ sử dụng nước. Đơn vị đang phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT do Trung tâm cấp để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình.
Trà Vinh là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp thiếu nước tưới. Đợt hạn, mặn mùa khô 2019-2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh, với tổng ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, cây lúa bị thiệt hại nặng nhất, với gần 382 ha lúa Mùa, hơn 23.747 ha lúa Đông Xuân và gần 1.700 ha lúa Hè Thu; tổng mức thiệt hại trong toàn tỉnh là 919 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng chục ha hoa màu và hơn 271 ha cây ăn trái cũng bị thiệt hại trên 30% diện tích. Hạn hán, mặn xâm nhập làm hàng nghìn hộ dân nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt.