Trà Vinh: Hàng nghìn ha lúa nguy cơ mất trắng do hạn, mặn

Vy Anh (T/h)|06/02/2020 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mùa khô năm 2019-2020, mặn đã xâm nhập nội đồng tỉnh Trà Vinh làm ảnh hưởng sự phát triển của nhiều diện tích lúa Đông Xuân.

Vụ Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch xuống giống 66.000 ha. Nhưng trước nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam về tình hình hạn, mặn mùa khô này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã khuyến cáo nông dân trong tỉnh ngưng triệt để xuống giống lúa vụ Đông Xuân kể từ ngày 12/12/2019, nhưng nông dân vẫn bất chấp khuyến cáo, đến nay đã xuống giống hơn 58.220 ha.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ lúa Đông Xuân này, toàn tỉnh sẽ có hơn 34.000 ha bị ảnh hưởng khô hạn, thiếu nước.

Chỉ tính riêng 2 huyện Cầu Ngang và Trà Cú, theo thống kê ban đầu đã có trên 5.000 hộ dân bị thiệt hại hơn 3.500 ha lúa Đông Xuân; trong đó, khoảng 913 ha bị thiệt hại trên 70% và hơn 1.200 ha bị thiệt hại từ 30-70% diện tích, nguy cơ mất trắng hoàn toàn.

Ảnh minh họa

Ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết, trước cảnh báo của ngành nông nghiệp tỉnh về tình hình hạn, mặn mùa khô năm nay, vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, địa phương đã tăng cường tuyên truyền tới nông dân tạm ngưng sản xuất gần 1.400 ha trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang các cây trồng, vật nuôi khác.

Vụ lúa này, toàn huyện chỉ xuống giống 5.339 ha, nhưng theo thống kê ban đầu, đã có hơn 1.740 ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn; trong đó, 1.110 ha bị thiệt hại trên 30% diện tích.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, các ruộng bị thiệt hại trên 30% diện tích do ảnh hưởng hạn, mặn đang đứng trước nguy cơ mất trắng, không thể cứu vãn. Bởi nếu “cứu” những diện tích này, chi phí sản xuất sẽ tăng rất cao, đến cuối vụ nông dân càng bị thua lỗ nặng hơn.

Đối với các ruộng lúa bị thiệt hại dưới 30% diện tích, việc cứu cây lúa bị ảnh hưởng hạn mặn chủ yếu là tập trung vào công tác bơm tiếp nước. Các địa phương phải thường xuyên kiểm tra độ mặn trong nước, khi độ mặn dưới 2‰ thì nông dân có thể lấy nước vào ruộng, nếu độ mặn trên 2‰ chỉ cho lượng nước vừa đủ ẩm mặt ruộng tránh tình trạng muối tích tụ vào đất. Đặc biệt tránh cho nước có độ mặn lớn hơn 2‰ vào ruộng khi lúa ở giai đoạn mạ và trổ.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng cho biết, nếu đã cho nước mặn lớn hơn 2‰ vào ruộng mà có nước ngọt thì người dân nên tháo nước mặn ra và tiếp nước ngọt vào ruộng. Nông dân phải tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ 3 lần bón phân và thời kì trổ, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn liên tục.

Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ dưới 3‰ đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh và nhỏ hơn 2‰ với giai đoạn mạ, làm đòng và trổ. Nông dân cũng lưu ý bón phân cân đối, hợp lý, tránh thừa phân đạm. Sử dụng phân bón cho vùng đất nhiễm phèn, mặn cần có chứa các chất P2O5, CaO, MgO, SiO2 và tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh để tăng sức chống chịu cho cây lúa.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương không đủ điều kiện sản xuất 3 vụ lúa do thiếu nước tưới thì nên sản xuất 2 vụ lúa. Vụ còn lại chuyển sang các loại cây trồng thích nghi hạn, mặn và dễ tìm thị trường tiêu thụ. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch bố trí lại mùa vụ sản xuất thích hợp cụ thể cho từng huyện với từng tiểu vùng sinh thái để tránh mặn.

Vy Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trà Vinh: Hàng nghìn ha lúa nguy cơ mất trắng do hạn, mặn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.