Trong năm 2024, tốc độ tăng CO2 đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử
Năm 2024 chứng kiến tốc độ tăng CO2 nhanh nhất từ trước đến nay, tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường và nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cơ quan Khí tượng Anh (MET Office) cho biết sự gia tăng mạnh mẽ của CO2 làm nóng hành tinh là do đốt nhiên liệu hóa thạch, cháy rừng và sự suy yếu của các kho dự trữ carbon tự nhiên trên Trái đất.
Đây là một dấu hiệu rõ rệt về sự gia tăng mạnh mẽ của khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm Trái Đất nóng lên. Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là do việc đốt nhiên liệu hóa thạch, các vụ cháy rừng nghiêm trọng và sự suy giảm của các "kho lưu trữ" carbon tự nhiên như rừng nhiệt đới.
Các nhà khoa học cảnh báo nếu tình hình này tiếp tục, thế giới khó có thể duy trì nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C – ngưỡng mà các quốc gia đã cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 để tránh những tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, nơi đã đo nồng độ CO2 trong khí quyển từ năm 1958, ghi nhận mức tăng 3,58 phần triệu (ppm) vào năm 2024.
Con số này đã vượt qua dự đoán 2,84ppm của Cơ quan Khí tượng và thậm chí vượt qua phạm vi cao nhất trong ước tính của cơ quan này là 3,38ppm.
"Các phép đo vệ tinh cũng cho thấy sự gia tăng rất lớn về CO2 trên toàn cầu, do tác động của lượng khí thải kỷ lục từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, được khuếch đại bởi sự suy yếu các bồn chứa carbon tự nhiên - chẳng hạn như mất diện tích rừng nhiệt đới - và các vụ cháy rừng đặc biệt" - cơ quan khí tượng MET cho biết.
Bên cạnh đó, Copernicus – cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) – cũng báo cáo rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong hai năm 2023 và 2024 đã vượt quá mức 1,5 độ C, gần với giới hạn an toàn mà các quốc gia đã đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mặc dù đây chưa phải là vi phạm vĩnh viễn của ngưỡng này, nhưng điều này cho thấy Trái Đất đang tiến gần đến mức nguy hiểm.
Met Office, cùng với các nhà dự báo khác, đã dự đoán năm 2025 sẽ là một năm mát mẻ hơn, nhưng vẫn nằm trong số 3 năm nóng nhất kể từ năm 1850 khi việc ghi chép thời tiết hiện đại bắt đầu.
Richard Betts - người đứng đầu bộ phận dự báo của Met Office - cho biết sự thay đổi sang hiện tượng thời tiết La Nina có thể cho phép các bồn chứa tự nhiên như rừng hấp thụ nhiều carbon hơn những năm tới, tạm thời làm chậm sự gia tăng CO2.
Ông Betts nhận định: "Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, thế giới cần phải dừng hoàn toàn sự tích tụ khí nhà kính trong không khí và sau đó bắt đầu giảm thiểu chúng" .