Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương cho biết đã lên nhiều phương án chuẩn bị cho cung ứng điện trong giai đoạn mùa khô năm 2024. Tuy nhiên, hiện hệ thống điện đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ nếu xảy ra các diễn biến bất thường thời gian tới.
Báo cáo của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hụt tổng sản lượng do sự cố và suy giảm công suất tại một số nhà máy nhiệt điện than do sự cố thiết bị như chạm đất rotor máy phát, lủng ống lò, bám dính than bunker, sự cố hệ thống thải xỉ đáy lò….
Theo đại diện Bộ Công Thương, để đảm bảo cấp điện mùa khô, Bộ đã yêu cầu các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu khu vực phía Bắc (thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) báo cáo về tình hình hồ chứa trong bối cảnh công tác cung ứng điện năm 2024 đối diện nhiều khó khăn. Điều đáng lo nhất tại thời điểm hiện tại là lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc thấp, chỉ đạt khoảng 25-96% trung bình nhiều năm.
Tình trạng lượng nước về thấp cũng diễn ra ở toàn bộ khu vực miền Trung và miền Nam. Theo thống kê, khu vực miền Trung có 19/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, chỉ đạt từ 17-94%. Có 8 hồ thủy điện có lượng nước về tốt nhưng đều là thủy điện nhỏ.
Tại khu vực miền Nam, ngoại trừ thủy điện Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim có nước về cao hơn trung bình nhiều năm, tất cả các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn từ 29-70% so với trung bình nhiều năm.
“Lượng nước về kém kéo theo sản lượng thủy điện khai thác thấp. Hiện tại đã huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống để cung ứng điện cho toàn quốc. Các nguồn điện năng lượng tái tạo cũng được huy động tối ưu với sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 121 triệu kWh, trong đó nguồn gió là 34,6 triệu kWh. Một số tổ máy của nhà máy tuabin khí ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ được khởi động để đáp ứng phụ tải vào cao điểm chiều, tối của hệ thống điện miền Nam và quốc gia”, Cục Điều tiết Điện lực cho biết.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, thời gian qua, Bộ Công Thương, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) và các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại một loạt các nhà máy nhiệt điện trọng điểm ở khu vực miền Bắc nhiệt điện Na Dương, Mông Dương 1, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Hải Phòng, Phả Lại, Nghi Sơn 1, Nghi Sơn 2. Các đơn vị chức năng cũng kiểm tra, giám sát các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La cùng nhiều công ty điện lực, trạm biến áp, hệ thống đường dây truyền tải, trạm biến áp nhằm không để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm.
Theo các chuyên gia, miền Bắc vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu điện ít nhất trong vòng 2 năm tới, khi chưa có nguồn điện mới nào được bổ sung, vận hành tại khu vực này, trong khi nhu cầu sử dụng điện dự kiến tăng khoảng 10% mỗi năm.
Thủy điện - một trong những nguồn cung năng lượng chính đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam. Năm 2023, thủy điện chiếm 28,4% trong tổng công suất điện quốc gia (chỉ sau nhiệt điện than). Không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thủy điện còn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương, giảm nhẹ thiên tai và nâng cao đời sống người dân lưu vực hồ thủy điện. Đã thế thủy điện còn là loại hình năng lượng có phát thải carbon thấp nhất trong vòng đời của nó so với các dạng năng lượng khác. Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các công trình thủy điện đã được quy hoạch.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên ngày 19/3, nhiều doanh nghiệp FDI bày tỏ lo ngại liên quan đến vấn đề thiếu điện cho sản xuất. Phản hồi ý kiến của các doanh nghiệp Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định và cam kết việc thiếu điện sẽ không xảy ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo.