Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc phân loại rác thải sinh hoạt là bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.Trong đó tại khoản 2 điều 77 nêu rõ một số điểm sau:
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng đúng bao bì quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Các hộ gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm chuyển chất thải rắn đã phân loại đến các địa điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu trữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định. Tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Bắt buộc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Điều 75 quy định rõ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình được phân loại thành 3 nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Việc phân loại rác là bắt buộc từ ngày 01/01/2022
Tại các thành phố, hộ gia đình, cá nhân phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại thành các bao bì và chuyển giao theo từng nhóm.
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho các cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại. Đồng thời, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Đối với chất thải thực phẩm không thể sử dụng làm phân bón hoặc thức ăn nuôi và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Từ 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành, hộ gia đình không phân loại rác bị từ chối thu gom. Ngoài ra, phí rác thải sinh hoạt sẽ được tính theo khối lượng, thể tích…
Quỳnh Trang