Ứng phó với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Minh Châu|09/02/2021 09:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dự báo nguồn nước thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn; miền Trung bị hạn hán.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc theo thông báo ở giai đoạn từ 5- 24/1/2021 xuống còn khoảng 1000 m3/s và hiện vẫn xả thấp được xem là kịch bản đã được lường trước. Ảnh hưởng của việc giảm xả từ thủy điện Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối tháng 1 và tháng 2.

Mùa khô 2020-2021, xâm nhập mặn gay gắt nhất có thể xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Internet)

Mùa khô 2020-2021, xâm nhập mặn gay gắt nhất có thể xảy ra ở khu vực ĐBSCL từ ngày 9-15/2, trùng với dịp Tết Nguyên đán, có thể dẫn đến thiếu nước ngọt.

Cụ thể, trên sông Vàm Cỏ Tây: ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 80 – 90 km, thấp hơn so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 từ 30 – 40 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 50 – 60 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 21 – 31 km.

Sông Vàm Cỏ Đông: Ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 75 – 80 km, thấp hơn so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 từ 30 – 35 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 10 – 15 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 17-22 km.

Tại vùng các cửa sông Cửu Long, trên sông Cửa Tiểu, Đại: ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 55 – 60 km, cao hơn so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 từ 7 – 10 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 31 – 56 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 20 – 25 km.

Trên sông Hàm Luông: Ranh mặn 4g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 70 – 73 km, so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 ở mức tương đương, thấp hơn so với năm 2020 từ 3 – 5 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 34 – 37 km.

Trên sông Cổ Chiên: Ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 62 – 65 km, thấp hơn so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 từ 0 – 3 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 6 – 8 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 24 – 27 km.

Trên sông Hậu: Ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 58 – 60 km, so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 ở mức tương đương, thấp hơn so với năm 2020 từ 2 – 4 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 20 – 22 km.

Vùng ven biển Tây (sông Cái Lớn): Ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 47 – 50 km, thấp hơn so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 từ 12 – 15 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 17 – 20 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 6 – 9 km.

Dự báo tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2020 – 2021, nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió Chướng.

Ngay từ bây giờ, các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn như: vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về.

Sử dụng hệ thống bơm dẫn trữ nước ngọt cho bà con tại ĐBSCL. Ảnh: Trần Lưu

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam khuyến cáo, vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nước đảm bảo cho sản xuất, chủ động sản xuất sớm vụ Đông Xuân nhằm giảm sử dụng nước các tháng khô. Vùng cần tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên đề phòng hạn.

Vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập cao, chủ động giảm diện tích vụ Đông Xuân các vùng đã bị ảnh hưởng ở năm 2020; đồng thời tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần. Khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Trong các kỳ triều kém ở tháng 2, các địa phương chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với việc giảm xả thủy điện từ Trung Quốc.

Vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao trong tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6.

Các địa phương trong vùng chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt; kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất giảm thiểu thiệt hại mặn lên cao ở tháng 2.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ứng phó với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.