Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư nguồn vốn ODA, năm 2020 tiếp tục thực hiện theo các mục tiêu, định hướng đầu tư đã ký kết với các nhà tài trợ, tập trung nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.
Ảnh minh họa
Trong đó, ưu tiên bố trí vốn khắc phục có hiệu quả tình trạng hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng để thực hiện: Chương trình, dự án quy mô lớn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương trong lĩnh vực hạ tầng kinh tế – xã hội, bao gồm giao thông, thuỷ lợi, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục. Chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương trong lĩnh vực hạ tầng kinh tế – xã hội bao gồm giao thông, đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục tại địa phương có khả năng vay, trả nợ. Chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng vay, trả nợ.
Vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên và được phản ánh trong ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay, mua sắm ô tô, vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành; chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án.
Năm 2020 sẽ thực hiện rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Đồng thời, thực hiện bố trí dự toán chi ngân sách Nhà nước từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án bảo đảm tiến độ theo hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng đáp ứng nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư quản lý chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Năm 2020, dự kiến phương án phân bổ vốn vay nước ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương là 60.000 tỷ đồng.
Minh Anh (t/h)