Nước và cuộc sống

Vận hành cống ngăn mặn, trữ ngọt trên 500 tỉ đồng ở Sóc Trăng

Phúc Minh 18/02/2025 19:00

Cống âu thuyền Rạch Mọp đi vào hoạt động sẽ ngăn mặn, trữ ngọt cho hơn 36.700ha sản xuất nông nghiệp của 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.

Ngày 17/2, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Sóc Trăng trực tiếp kiểm tra tình hình thực hiện dự án và tổ chức vận hành tạm thời công trình cống âu Rạch Mọp để phục vụ sản xuất.

Dự án cống âu Rạch Mọp có vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, được xây dựng tại xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) và xã Song Phụng (huyện Long Phú).

soc-trang.jpg
Vận hành tạm thời cống âu Rạch Mọp ngay đợt mặn đầu mùa khô.

Công trình có công năng kiểm soát mặn, giữ ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững trực tiếp cho 19.220ha đất tự nhiên trên địa bàn các huyện: Kế Sách, Châu Thành, Long Phú và TP Sóc Trăng.

Ông Kiều Văn Công, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 (chủ đầu tư dự án), cho biết, toàn bộ công trình đến nay đã đạt hơn 92% khối lượng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 trên địa bàn tỉnh xuất hiện từ giữa tháng 1/2025, với cường độ mặn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Trên tuyến sông Hậu, ghi nhận ranh mặn 4g/lít trong các đợt triều cường dịch chuyển sâu vào nội đồng 35-40km. Theo ông Lâu, việc vận hành cửa van cống âu Rạch Mọp có ý nghĩa rất lớn trong việc ứng phó xâm nhập mặn, tạo điều kiện sản xuất, sinh hoạt ổn định cho người dân trong vùng.

"Dự kiến công trình cống âu sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 30/4", đơn vị chủ đầu tư thông tin và cho biết đây là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Công trình cống âu Rạch Mọp có chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang cống (mỗi khoang rộng 35m) và một khoang âu thuyền rộng 15m; phần cống gồm cống hở bằng bê tông cốt thép M300, đóng mở bằng xi lanh thủy lực; phần âu thuyền mỗi đầu dài 28m, buồng âu dài 75m;…

Cống âu Rạch Mọp được xem là dự án trọng điểm phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt lớn ở khu vực Tây Nam Bộ với quy mô chỉ nhỏ hơn cống Cái Lớn, Cái Bé (tỉnh Kiên Giang).

Bài liên quan
  • Xâm nhập mặn tại TP. Hồ Chí Minh tăng cao
    Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, dữ liệu quan trắc tại các trạm đo ở TP.HCM cho thấy đợt 1 tháng 2/2025 có độ mặn được ghi nhận cao hơn so với độ mặn cùng kỳ được ghi nhận trong 5 năm gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vận hành cống ngăn mặn, trữ ngọt trên 500 tỉ đồng ở Sóc Trăng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.