Vì sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong

Tố Cẩm |04/04/2023 20:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 với Chủ đề "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong."

Chủ đề của hội nghị lần này là "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong". Hội nghị bao gồm 3 phiên toàn thể và 7 phiên song song với nhiều bài trình bày, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm của các chuyên gia trong khu vực và quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo của các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ thảo luận, xác định những khó khăn, thách thức của lưu vực sông Mekong để đưa ra các định hướng cho sự phát triển bền vững của lưu vực.

songmekong.jpg
Lưu vực sông Mekong.

Trong những năm trở lại đây, lưu vực sông Mekong đứng trước rất nhiều thách thức to lớn, như sự gia tăng các hoạt động phát triển gây áp lực lên tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm các vấn đề, như sự suy giảm về dòng chảy, suy giảm về bùn cát dẫn đến xói lở gia tăng, suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản.

Một trong những thay đổi dễ nhận biết nhất là thay đổi chế độ dòng chảy, nhất là trong mùa khô, gây ra tình trạng hạn hán toàn lưu vực và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Được biết, Ủy hội sông Mekong quốc tế có bề dày hoạt động gần 30 năm và đã đạt được nhiều thành tựu, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có rất nhiều biến động, Ủy hội không thể mãi đi theo các cách thức trước đây, mà cần có những thay đổi để có thể đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới.

TS. Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế đánh giá: "Chúng ta cần đổi mới, bởi vì chúng ta không thể giữ cách làm cũ và mong muốn có kết quả tốt hơn, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số". Các điểm nổi bật về sự đổi mới được nêu lên trong hội nghị bao gồm thay đổi về tư duy, cách tiếp cận, phương thức quản trị, công nghệ, phương thức hợp tác trong khai thác, sử dụng, phát triển và quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mekong.

Các hoạt động của Ủy hội cũng cần hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi bị tác động do những hoạt động phát triển và biến đổi khí hậu, đặc biệt là ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp do thiên tai và dịch bệnh gây ra.

Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi thông tin về tình hình lưu vực, về khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong lưu vực và về chế độ vận hành của các bậc thang thủy điện trên sông Mekong. Tiến tới thiết lập một quy trình quản lý và vận hành các công trình bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mekong và hệ thống chia sẻ số liệu vận hành thời gian thực của các công trình thủy điện này.

Việt Nam cũng mong muốn các quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar sẽ cam kết tham gia tích cực hơn vào các hoạt động hợp tác của Uỷ hội sông Mekong quốc tế; các đối tác phát triển sẽ cam kết tiếp tục đồng hành và ủng hộ cho Hợp tác Mekong.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong