Việt Nam ảnh hưởng như thế nào khi sông Mê Kông khô hạn?

Thùy Dung (T/h)|23/07/2019 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 18/7, Ủy hội sông Mekong quốc tế xác nhận mực nước đầu mùa lũ, tháng 6-7 năm nay trên dòng Mekong ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Các trạm đo tại khu vực hạ nguồn sông Mê Kông từ Chiang Saen (Thái Lan) xuống Luang Prabang và Vientiane (Lào), Nong Khai (Thái Lan) và Neak Luong (Campuchia) đều ghi nhận mực nước thấp kỷ lục hơn cả năm khô hạn 1992.

Mức nước thấp nhất trong lịch sử

Theo ghi nhận ngày 18-7, ở Chiang Saen (Thái Lan), mực nước sông hiện tại là 2,1m, thấp hơn 3,02m so với mức trung bình cùng kỳ trong 57 năm (từ 1961-2018) và thấp hơn 0,75m so với mực nước tối thiểu từng đo được.

Tại Vientiane (Lào), mực nước là 0,70m, thấp hơn 5,54m so với trung bình cùng kỳ và 1,36m so với mực nước tối thiểu. Trong ba ngày từ 16 đến 18-7, mực nước tại trạm đo này rút xuống 5,58m.

Ở tỉnh Kratie (Campuchia), nước sông cao 9,31m, thấp hơn 5,4m so với trung bình nhiều năm và nhỉnh hơn một chút (0,16m) so với mức thấp nhất trong lịch sử trước đây.

Theo các dữ liệu hiện có và phân tích của MRC, hiện tượng nước sông giảm nhanh, liên tục và việc xả nước của các đập thủy điện phía trên trong hai tháng 6 và 7 tuy không theo tiền lệ, nhưng các yếu tố tự nhiên bất thường là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến dòng nước.

Lẽ ra vào thời điểm này, nước sông đang bắt đầu dâng lên nhưng 2019 là một năm khô hạn trên toàn lưu vực Mekong. Theo Trung tâm khí tượng châu Á, các điều kiện khô hạn hơn bình thường diễn ra ở các nước nam Đông Nam Á trong tháng 7 – ảnh hưởng đến Thái Lan, Lào, Myanmar và một số nước khác.

Từ đầu năm đến nay, lưu vực Mekong có rất ít mưa. Lượng mưa trong tháng 6-2019 chỉ bằng 67% so với trung bình lượng mưa cùng kỳ từ 2006-2018. Mưa ít cũng ảnh hưởng đến lượng nước ngầm chảy vào dòng chính sông Mê Kông. Theo MRC, tình hình có thể được cải thiện phần nào vào cuối tháng 7-2019.

Theo MRC, lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) có giảm nhưng không ảnh hưởng lớn đến hạ nguồn – Ảnh: MRC

El Nino, thủy điện khiến tình hình thêm tồi tệ

Nói về tình hình cạn nước ở hạ nguồn sông Mê Kông, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL – cho biết: “Thủy điện không lấy mất nước, chỉ tích nước và xả ra phát điện, tổng lượng nước không thay đổi nhưng nó làm thay đổi thời gian của nước.

Ngoài ra, cần phân biệt hai loại thủy điện là thủy điện có hồ chứa lớn (ở phần Trung Quốc và các chi lưu) và thủy điện đập dâng, sẽ xây dựng trên dòng chính Mekong ở hạ lưu vực, cho nước chảy qua trong ngày.

Cũng cần phân biệt 3 loại năm, tính theo lượng nước, là những năm lũ lớn, những năm bình thường và những năm khô hạn vì ảnh hưởng của các đập thủy điện đối với các năm này khác nhau”.

Theo ông Thiện, đối với những năm bình thường, tức là đa số các năm, các đập có hồ chứa có khả năng tích nước trong mùa lũ và xả ra trong mùa khô, tức là làm giảm đỉnh lũ và tăng dòng chảy mùa khô; còn các đập dâng thì cho nước chảy qua trong ngày, ít ảnh hưởng lượng nước về ĐBSCL.

Đối với những năm lũ cao, khi các đập quá đầy nước thì sẽ xả ra để tránh vỡ đập, do đó gây ra tình trạng lũ chồng lũ cho phía hạ lưu.

Đối với những năm khô hạn, các đập sẽ tăng cường tích trữ nước cho đủ cột nước để chạy tuôcbin. Trong một chuỗi đập thì đập bên dưới phải chờ đập trên xả, tích cho đủ cột nước rồi mới xả cho đập bên dưới nữa, làm nước chậm về hạ lưu, làm tình hình khô hạn tồi tệ thêm.

“Hiện nay chúng ta đang trong tình trạng El Nino khô hạn ít mưa, sẽ còn kéo dài khoảng 2 tháng nữa, theo bản tin dự báo của Cơ quan Đại dương và khí quyển Hoa Kỳ công bố ngày 15-7, do đó các đập thủy điện đang làm cho tình hình tồi tệ thêm” – ông Thiện cho biết.

Những giải pháp cấp bách đối với đồng bằng sông Cửu Long

Mực nước trên sông Mê Kông qua Thái Lan đang thấp nhất trong 10 năm qua, vùng Hạ Lào cũng thấp và dẫn tới nước vào Biển Hồ ở Campuchia rất cạn. Điều đó cho thấy chắc chắn mực nước ở ĐBSCL trong thời gian tới sẽ thấp.

Thông thường mọi năm tháng 8 âm lịch là lũ bắt đầu về, nhưng giờ đã quá nửa tháng 7 âm lịch mà mực nước trên sông Mê Kông qua ĐBSCL thấp so với cùng kỳ. Đó là chỉ dấu cho thấy mùa lũ sắp tới, nếu có, cũng sẽ rất thấp.

Mà lũ thấp sẽ dẫn tới các hệ quả: thứ nhất, phù sa ngày càng ít dần; thứ hai, lượng thủy sản ít; thứ ba, không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa, không rửa được tạp chất khác trong đất, ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa, cây trồng.

Thực trạng đó cho thấy nếu ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường không có những khuyến cáo và có kế hoạch trữ nước ngay từ bây giờ, mùa khô tới đây sẽ trở nên gay gắt hơn nhiều.

Về giải pháp, cần khuyến cáo ngay việc giảm tối đa diện tích sản xuất lúa, thậm chí chỗ nào thấy không an toàn, có khả năng cao bị xâm nhập mặn do thiếu nước nên bỏ luôn. Tiếp đến là tính tới việc trữ nước. Lượng mưa cuối mùa có thể sẽ nhiều, nên cố gắng trữ nước mưa nhiều nhất có thể.

Ngoài ra, cũng cần tranh thủ những lúc nước triều dâng cao, đẩy nước ngọt vào đồng ruộng cần có giải pháp giữ lượng nước này ở lại đồng ruộng, ao, hồ, kênh, rạch. Hiện tại, những khu vực trũng có thể tính tới việc nạo vét cho sâu thêm để có nhiều hơn không gian trữ nước. Thứ ba, chọn những giống cây trồng cần ít sử dụng nước để gieo trồng. Các giải pháp này cần làm ngay từ bây giờ

Thùy Dung (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam ảnh hưởng như thế nào khi sông Mê Kông khô hạn?