Bộ Công thương cho hay, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong hai năm 2019 và 2020; tình trạng thiếu điện cũng sẽ kéo dài tới 2025.
Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT, các dự án nhiệt điện than… nên hệ thống sẽ thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025 (mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu).
Ảnh minh họa
Sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh (tương ứng ~5% nhu cầu), các năm 2024-2025 thiếu hụt giảm dần sau khi bổ sung nguồn điện từ các cụm Nhiệt điện khí lô B, Cá Voi xanh.
Trước đó, trong các báo cáo gửi Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công thương nêu, do điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao nên các thuỷ điện không đủ tích nước khiến Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp. Bộ này cũng dự báo Việt Nam sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.
Cụ thể, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, giai đoạn 2016-2030, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao đầu tư 24 dự án với tổng công suất hơn 15,2 nghìn MW (riêng giai đoạn 2016-2020 EVN cần hoàn thành 14 dự án với tổng công suất trên 7,1 nghìn MW). Trong tổng số 24 dự án được giao nói trên có 9 dự án đã phát điện và 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư. Dự kiến 6 dự án đúng tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam được giao đầu tư làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11,4 nghìn MW (giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án). Nhưng đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cũng thực hiện 4 dự án với tổng công suất gần 3.000 MW (giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021-2030 có 2 dự án). Tuy nhiên, hiện cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên. Ngoài ra, nhiều nhà máy trong số 19 nhà máy nhiệt điện BOT với tổng công suất 24 nghìn MW cũng đối diện nguy cơ chậm tiến độ.
Tuy nhiên, đầu tháng 11, EVN cho biết đã hoàn thành vượt tiến độ một số công trình giải tỏa công suất năng lượng tái tạo tại hai địa phương trên và chủ động kiến nghị bổ sung quy hoạch một số công trình điện với mục tiêu giải tỏa hết nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2020. Đây sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới, bổ sung công suất, hạn chế nguy cơ thiếu điện.
Minh Anh (t/h)