Vụ chặt phá rừng phòng hộ tại xã An Sinh – Bài 2: Chính quyền và Kiểm lâm “thừa nhận” đã buông lỏng quản lý

Tuấn Anh – Đức Hiếu|26/08/2019 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vụ việc 6 hộ dân có đất rừng phòng hộ khoanh nuôi nhưng bị đối tượng tự ý chặt rừng nguyên sinh để trồng rừng mới, để xảy ra vấn đề này cả chính quyền và Hạt kiểm lâm TX. Đông Triều đã thừa nhận “buông lỏng quản lý”

VIDEO: Chính quyền và Kiểm lâm “thừa nhận” đã buông lỏng quản lý

Hạt Kiểm lâm TX Đông Triều: “Ai trực tiếp quản lý sẽ chịu trách nhiệm”

Trước đó, như Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã thông tin đến bạn đọc, 6 hộ dân sống tại thôn Bãi Dài, xã An Sinh (TX Đông Triều – Quảng Ninh) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tiểu khu 4, khu rừng dự án Việt Đức từ năm 2005, với mục đích phát tỉa, chăm sóc, rừng phòng hộ khoanh nuôi chăm sóc. Nhưng đến nay rừng phòng hộ của 6 hộ dân đã bị chặt phá, trồng cây mới.

Rừng phòng hộ của 6 hộ dân đã bị chặt phá, trồng mới

Để làm rõ trách nhiệm của chính quyền và Kiểm lâm TX Đông Triều trong vấn đề này, PV Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Triển – Hạt trưởng hạt Kiểm lâm TX Đông Triều và ông Phạm Duy Khiêm – Chủ tịch UBND xã An Sinh.

Tại buổi làm việc với PV, ông Phạm Văn Triển – Hạt trưởng hạt Kiểm lâm TX Đông Triều cho biết: “Rừng này thuộc sự quản lý của Ban dự án Việt Đức, nhưng sau này đã chuyển sang chính quyền địa phương. Hôm trước tôi qua làm việc với xã An Sinh, nhưng không có hồ sơ gì về dự án rừng Việt Đức, nên rất khó để Kiểm lâm nắm bắt tình hình mà làm việc. Về việc rừng bị chặt phá, ai trực tiếp quản lý người đó sẽ chịu trách nhiệm, sai đến đâu xử lý đến đó.”

Ông Phạm Văn Triển – Hat trưởng hạt Kiểm lâm TX Đông Triều kiên quyết làm rõ vấn đề này

Nói về quy trình kiểm tra rừng, ông Triển thông tin: “Nếu đúng quy trình, các hộ dân phải báo cáo định kỳ, xem tiến độ rừng đã tiến triển đến đâu và phát triển như thế nào sau đó báo cáo lên chính quyền địa phương, họ sẽ đi thẩm định xem người dân báo cáo chính xác hay không, nhưng người dân không báo cáo, mà chính quyền xã cũng không đúc thúc gì, về phía hạt Kiểm lâm TX Đông Triều cũng chủ quan, không đi kiểm tra nên mới xảy ra vấn đề như hôm nay”.

“Bên UBND xã An Sinh chủ quan, bên chúng tôi cũng vậy. Việc cũng xảy ra rồi, bên Kiểm lâm sẽ không trốn tránh trách nhiệm, chúng tôi sẽ dựa trên quy định nhà nước để xem xét, xử lý sao đúng quy định pháp luật. Năm nào chúng tôi cũng đốc thúc bên dưới báo cáo về rừng trên địa bàn, nhưng bên dưới không báo cáo lại” – Ông Phạm Văn Triển cho biết thêm.

Trong báo cáo, Hạt Kiểm lâm TX Đông Triều cho biết, căn cứ nội dung Toà soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đăng tải ngày 15/08/2019 về việc phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 4, xã An Sinh; Hạt Kiểm lâm thị xã Đông Triều báo cáo như sau:

Về diện tích rừng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 6 hộ dân là 8,67ha, nhưng diện tích thực địa đo bằng GPS là 3,54ha. Hiện trạng đã trồng cây Keo, Bạch đàn trên toàn bộ diện tích, cây có chiều cao 6 – 7m, đường kính 5 – 7cm, mật độ 1600 – 2000 cây/ha và được trồng từ năm 2006.

Hướng xử lý, giải quyết: Làm rõ hồ sơ dự án rừng Việt Đức; Xác định diện tích các hộ theo dõi, quản lý thực tế so với diện tích được giao trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Tiếp tục đấu tranh đối tượng chặt phá rừng.

VIDEO: TX Đông Triều (Quảng Ninh): Rừng nguyên sinh bị “xẻ thịt” và trồng mới khi chưa xin phép

UBND xã An Sinh: “Sai đến đâu xử lý đến đó”

Ông Phạm Duy Khiêm – Chủ tịch UBND xã An Sinh cho biết: “Kết quả buổi làm việc ngày 05/06/2019 chưa được các hộ đồng tình và nhất trí vì diện tích đo chỉ được 3,54ha, trong khi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ là 8,67ha”.

“Lần thứ 2, tôi trực tiếp làm việc trên cơ sở xác định rõ về đất các hộ và đất trên bìa có trùng với nhau hay không và xác định 2 hộ phát rừng của các hộ dân thì diện tích cụ thể là bao nhiêu, thế nhưng hôm thứ 6 tuần vừa rồi anh em vào đo thì lại được hơn 2ha” – Ông Khiêm cho biết thêm.

Ông Phạm Duy Khiêm – Chủ tịch UBND xã An Sinh cho biết: “Sai đến đâu xử lý đến đó”

Khi được PV hỏi tại sao lại có sự chênh lệch giữa đo thực địa lần 1 và lần 2, thì ông Khiêm nói: “Các anh em đi đo đạc về có báo cáo lại là do người đi chỉ đường biên không chính xác, lần trước 1 ông chỉ, lần sau lại 1 ông chỉ do vậy là số đo nó có sự lệch lạc giữa hơn 3ha và hơn 2ha”.

“Xã đang tiếp tục thụ lý, nếu như 2 hộ dân lấn chiếm phát thì cụ thể diện tích là bao nhiêu, thời điểm lấn chiếm, rừng nghèo, rừng giàu ra làm sao, thì xã sẽ tiếp tục làm và xử lý theo quy định. Về trách nhiệm cán bộ, tôi sẽ điều tra làm rõ trách nhiệm của cán bộ, sai đến đâu sẽ xử lí đến đó. Chúng tôi đã rất chủ quan trong vấn đề này” – Ông Khiêm cho biết thêm.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Duy Khiêm không cung cấp được bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào liên quan đến hồ sơ Dự án rừng Việt Đức cho Phóng viên. Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao dự án nằm trên địa bàn xã An Sinh mà UBND xã lại không có hồ sơ gì về dự án (?).

Thiết nghĩ, Chi cục Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh cần nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo kiểm tra, xử lý về vấn đề này, để có câu trả lời thỏa đáng cho 6 hộ dân sống tại thôn Bãi Dài, xã An Sinh.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài tiếp theo.

Tuấn Anh – Đức Hiếu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ chặt phá rừng phòng hộ tại xã An Sinh – Bài 2: Chính quyền và Kiểm lâm “thừa nhận” đã buông lỏng quản lý