Vu Lan không chỉ một ngày trong năm

Lê Thị Thiên Bình|28/08/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày rằm tháng bảy hằng năm, tôi thường theo chân mẹ đến ngôi chùa cổ gần nhà để dự lễ Vu Lan. Đó là một ngôi chùa nhỏ nằm khuất trong ngõ vắng, tách biệt với Sài Gòn nhộn nhịp ngoài kia.

vulan-1.jpg
Nhành hoa hồng được những người tham dự lễ Vu Lan cài trên ngực áo để tri ân công sinh thành của cha mẹ

Là Phật tử thuận thành nên mỗi khi được nhà sư cài lên áo một bông hồng màu trắng, mẹ tôi thường xúc động nghẹn ngào. Ông bà ngoại tôi đã lặng lẽ theo mây trắng về trời sau những cơn đau kiệt cùng vì căn bệnh ung thư quái ác, bỏ lại mẹ tôi bơ vơ trong nỗi niềm thương nhớ.

Giấu vội những giọt nước mắt lăn dài trên má, hai mẹ con tôi khẽ khàng quỳ dưới chân Phật đài, nghe tiếng kinh Phạn ngân nga theo nhịp chuông dài. Tôi nghe không hiểu lắm nhưng những âm tiết cúng xá tội vong nhân văng vẳng bên tai khiến bản thân mủi lòng.

Thoáng trong mùi hương trầm, tôi nghe tiếng khóc rưng rức của một bạn sinh viên độ chừng 20 tuổi. Mẹ bạn đã mất do ung thư gan. Bạn bảo những ngày nuôi mẹ bệnh đợi mất là khoảng thời gian cơ cực nhất cuộc đời. Bạn bỏ mặc nhịp sống thường ngày của một người trẻ, cứ lẩn quẩn bên mẹ. Ban đầu thì chẳng thấy gì nhưng đằng đẵng một năm, hai năm, ngày nào cũng phải chăm sóc, nấu nướng, dọn dẹp và nhìn mẹ nằm đó rên rỉ vì đau, bạn trẻ này đã không kìm nén được cảm xúc của mình. Bạn từng la hét mẹ khi sự chịu đựng vượt qua giới hạn để rồi giờ đây, khi mẹ không còn nữa, bạn hối hận vô cùng. Chỉ kể đến đó thì bạn khóc rưng rức.

Mẹ tôi cũng từng là một người như thế. Khi ông bà tôi lần lượt đối diện với bệnh ung thư, mẹ đã rơi vào tình trạng kiệt quệ. Mẹ xin nghỉ việc tạm thời ở cơ quan, dành thời gian tập trung cho việc chăm sóc ông bà. Năm đó, thành phố Hồ Chí Minh rơi vào đợt giãn cách, tôi bị đưa đi cách ly ở một bệnh viện xa nhà. Chỉ còn mẹ tôi một mình xoay sở với hai người bệnh. Bà tôi do nằm lâu tại chỗ, thân thể bắt đầu xuất hiện vết loét còn ông thì nửa tỉnh nửa mê. Những ngày cả thành phố quay cuồng vì dịch thì trong nhà tôi, mẹ bất lực ngồi gào khóc trước những đau đớn vì bệnh tật của ông bà. Chẳng biết có phải do trông thấy nỗi bất lực của con gái mà sau đó sức khỏe của ông bà kém hẳn, rồi lặng lẽ qua đời giữa mùa dịch bệnh căng thẳng ở Sài Gòn. Trái tim mẹ tôi gần như vỡ vụn sau khi ông bà ra đi.

Nhớ đến công ơn sinh thành và dưỡng dục của ông bà, mẹ bảo ông bà tôi khi xưa vì nhà nghèo, đông con nên quyết định từ Tuyên Đức ra Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Bao năm vất vả, nhọc nhằn, ông bà phải nỗ lực rất nhiều mới lo cho đàn con đủ ăn, đủ mặc. Vậy mà chỉ vài năm chăm sóc ông bà, mẹ đã vô số lần la mắng, nổi nóng, thậm chí thể hiện nỗi bất lực, tuyệt vọng trước mặt ông bà.

Tôi nghe mẹ kể mà xót xa nhưng cũng đành im lặng bởi, khi chăm sóc một người già, đặc biệt là cha mẹ mình khi bệnh tật, bất kỳ ai dù nhẫn nại đến đâu cũng có lúc rơi vào trầm cảm.

Nhìn nỗi đau của mẹ và người bạn trẻ trong buổi lễ Vu Lan ở chùa, tôi chợt nghĩ: “Chúng ta luôn sống cạnh ông bà, cha mẹ mình, chứng kiến họ già đi và đối mặt với bệnh tật nhưng có bao giờ tự hỏi họ sống như thế có hạnh phúc không?”. Trong suốt khoảng thời gian sống cạnh nhau, những người trẻ như chúng ta tự cho phép mình được nghỉ ngơi, thưởng cho mình những chuyến du ngoạn khắp nơi nhưng có bao giờ chợt nghĩ bao lâu rồi ông bà, cha mẹ mình chưa được nhìn thấy mây trời, gió núi và cây rừng. Họ phải sống chen chúc giữa một thành phố chật hẹp, lại thêm bệnh tật hành hạ. Chúng ta cứ mải mê với công việc và các mối quan hệ cá nhân, có bao giờ tự hỏi ông bà, cha mẹ mình đang sống ra sao, có bị bệnh gì không và nếu có thì đang điều trị như thế nào, đời sống của họ có chất lượng không? Và, chúng ta đã làm gì để ông bà, cha mẹ được yên vui và hài lòng với cuộc sống lúc về già hay chỉ đơn thuần là cung cấp cho họ một ít tiền rồi sinh thêm vài đứa trẻ và yêu cầu họ chăm sóc?

Tháng bảy về, tôi nhớ ngày xưa vào dịp này bà ngoại với mẹ thường chuẩn bị ủ món chao để đem biếu chùa, một phần đem tặng họ hàng, những người ăn chay. Món chao của bà khá công phu. Bà bảo làm kỳ công như thế cũng để thể hiện lòng thành của mình với đất trời và mọi người. Người ta quý nhau vì những điều thực tế khi còn sống, chứ khi mất đi rồi thì thờ cúng hay dựng bia mộ, làm đám giỗ thật linh đình…cũng chẳng ích chi. Tôi cũng nghĩ như bà, dù chẳng rõ nhiều về một thế giới sau khi con người ta ra đi. Nhưng tôi biết thay vì phải đối diện với lằn ranh giữa sống và chết khi ông bà, cha mẹ ta mất đi, mới thấy hối hận và tiếc nuối thì những điều mà hằng ngày ta làm cho người thân của mình mới là quan trọng. Thế nên Vu Lan không chỉ có một ngày trong năm mà Vu Lan là thời điểm để nhắc nhở bản thân mình đang hoặc đã từng hạnh phúc ra sao khi có ông bà, cha mẹ và những người thân yêu cạnh bên.

Trong một lần được trò chuyện với một vị Thiền sư dịp Vu Lan, tôi đã hỏi thầy: “Thưa thầy, nhà là gì ạ?” và nhận được câu trả lời: “Nhà là ông bà cha mẹ và những người thân trong gia đình. Khi nào ta vẫn còn họ nghĩa là còn nhà”. Tôi không hiểu lắm, cho đến bây giờ lập gia đình và có con, tôi mới cảm nhận và thấm thía được câu trả lời của vị thiền sư hiền hậu đó. Đôi lúc trên đường đời gặp khó khăn, thiếu thốn, tôi đã có lúc muốn gục ngã, muốn buông tay, muốn thả trôi, nhưng nghĩ đến người thân, đến tấm lòng bao la của ông bà, sự hy sinh thầm lặng của bố mẹ lại tự nhủ bản thân hãy cố gắng vươn lên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vu Lan không chỉ một ngày trong năm