Người dân lo lắng, bất an
Trước tình trạng trên, người dân tại thôn 1 xã Vũ Đoài đã gửi đơn kiến nghị đến UBND xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư và các cơ quan báo chí. Theo nhiều người dân nơi đây, nhà cửa họ sinh sống cả chục năm nay không xảy ra tình trạng lún nứt, từ khi triển khai dự án nạo vét sông Bồng Tiên đến nay thì xảy ra tình trạng nhà cửa, sân vườn bị nứt, sụt lún khiến họ sống trong nơm nớp lo sợ vì những ngôi nhà có nguy cơ đổ sập, đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào.
Được biết, dự án nạo vét, kè bờ kênh Bồng Tiên nhằm nạo vét và gia cố một số điểm xung yếu bờ kênh nhằm đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống sạt lở mái kênh tại những điểm sung yếu, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến trên 22 tỷ đồng. Với diện tích dự án là chiều dài L = 3.500m từ cống Bồng Tiên đến vị trí cầu Ông Cân.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đình Luận (ở thôn 1, xã Vũ Đoài) cho biết: “đất của gia đình tôi đang ở là đất thổ cư do bố mẹ tôi để lại từ năm 1945 cho đến nay, gia đình tôi xây ngôi nhà 3 tầng này từ năm 2010 không có ảnh hưởng hoặc thay đổi biến dạng. Bên cạnh là công trình nhà ở một tầng nhà tôi cũng được xây dựng rất kiên cố, chắc chắn, chúng tôi sinh sống bao nhiêu năm nay không bị nút nẻ, sụt lún”.
“Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2023 đơn vị thi công công nạo vét qua phần đất thổ cư của gia đình tôi. Ngày 12/11, tôi phát hiện đất của gia đình tôi bị sụt lún, nứt nẻ phía bờ kênh nên gia đình đã thực hiện việc xây kè bảo vệ đất không bị xói mòn, lở. Sau đó đến ngày 18/11, gia đình tôi phát hiện phần đất ở phía giáp sông bị nứt nẻ, sụt lún rất nghiêm trọng và đẩy cả phần bờ tường mà gia đình đã xây. Tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt chạy dài. Gia đình tôi cảm thấy có nguy cơ còn sạt lở và sụt lún rất nguy hiểm cho tính mạng con người, khi cả gia đình 6 người nhà tôi ở đây, nhất là vào ban đêm ngủ không biết gì. Vì thế, mấy ngày nay gia đình tôi 6 người phải di dời sang ở ngôi nhà cấp 4 bên cạnh nhưng nhà này cũng bị nứt khắp nơi. Nếu ngôi nhà 3 tầng bị sập thì chắc chắn nhà này cũng bị đổ theo....", ông Luận cho biết thêm.
Ông Luận cũng cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do đơn vị thi công múc bùn đất khoét sâu xuống lòng kênh nhưng lại không có phương án gia cố đảm bảo an toàn, chống sạt lở. Theo ghi nhận thực tế tại hiện trường, bằng mắt thường có thể nhận thấy phần đất nhà ông Luận giáp bờ kênh xuất hiện vết nứt chạy dài hàng chục mét, gần như tách thành hai mảnh riêng biệt.
“Khi chúng tôi phát hiện ra sạt lở, chúng tôi đã báo lên chính quyền địa phương, chiều ngày18/11 lãnh đạo huyện, xã có xuống ghi nhận nhưng họ cũng chỉ nói mồm là tình hình như thế này xảy ra hết sức nghiêm trọng, nhà cửa đất đai có thể đổ ụp xuống kênh bất cứ lúc nào, xã có gửi thông báo khuyến cáo người dân cần cảnh giác và sơ tán ngay nếu thấy nguy cơ nhưng họ lại không bảo chúng tôi sơ tán đi đâu, phải làm như thế nào?. Sau đó, đến ngày 20 họ xuống đo đạc kiểm đếm thiệt hại rồi cho đến nay họ vẫn trả lời vòng vo không đúng trọng tâm, đùn đẩy trách nhiệm. Trong khi đó tính mạng, tài sản của chúng tôi do thi công bị thiệt hại họ không đề cập đến. Họ không cần biết chúng tôi sẽ ra sao nếu cứ tiếp tục ở trong ngôi nhà bị nứt lún nghiêm trọng như vậy”. Ông Phạm Đình Luận bức xúc cho biết thêm.
Cùng chung cảnh ngộ, nỗi lo sợ với gia đình ông Luận, ông Trần Văn Sơn 61 tuổi (sống tại thôn 1, xã Vũ Đoài) bức xúc nói: “ Tôi làm nhà này được 13 năm rồi không bị ảnh hưởng gì nhưng từ khi múc con sông này đến nay là ngày thứ 3 tôi phát hiện ra nhà tôi bị nứt, lún một cách nghiêm trọng, vết nứt ngày càng lớn theo từng giờ, vết nứt to đút lọt bàn tay, nhà tôi bị nghiêng, kéo hẳn ra ngoài phía bờ sông. Không chỉ riêng nhà tôi bị đâu, mà có cả chục nhà khác cũng tương tự như gia đình tôi, nhiều gia đình mới xây 1-2 năm cũng bị sụt lút, chúng tôi bây giờ không biết phải đi đâu, mà ở đây thì ngày đêm lo sợ, bất an”.
Liên quan đến vấn đề trên, PV Môi trường và cuộc sống đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Giáp - Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài, tại buổi làm việc, ông Giáp cho biết: “Chính quyền địa phương có nhận được phản ánh về tình trạng nứt lún tại một số hộ dân. Vết nứt ở nhiều vị trí khác nhau: nhà ở, công trình phụ, sân vườn...Ngay sau khi nhận được tin báo của nhân dân, đích thân tôi xuống hiện trường để ghi nhận tình hình thực tế cũng như để động viên tinh thần nhân dân và hướng dẫn người dân về đảm bảo an toàn tính mạng. Sau đó chúng tôi đã báo cáo lên huyện cùng với Ban quản lý dự án, đơn vị thi công để làm rõ nguyên nhân sụt lún và trách nhiệm của các bên. Theo kiểm đếm đến ngày 20/11 có khoảng hơn 20 hộ bị ảnh hưởng, hộ dân bị nặng nhất là gia đình ông Phạm Đình Luận”.
“ Hiện nay chúng tôi đã có văn bản khuyến cáo đến người dân để đảm bảo an toàn cho tính mạng thì người dân tự chủ động di dời khi cần thiết”, ông Phạm Văn Giáp cho biết thêm.
Tuy nhiên, người dân nơi đây đang rất băn khoăn, bây giờ di dời đi đâu, ở đâu, bằng cách nào? Bao giờ thì khắc phục và hạn chế tình trạng nứt, lún thì lại không ai trả lời cho họ biết cả?. Vậy, ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này?.
Chưa ai nhận trách nhiệm
Ghi nhận thực tế của PV Môi trường và Cuộc sống, tại địa phương vào 14h ngày 21/11/2023, chính quyền địa phương xã Vũ Đoài cùng một số đơn vị liên quan gồm đại diện của Công ty thủy nông huyện Vũ Thư, đại diện đơn vị thi công công trình tổ chức họp lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của những hộ dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công công trình. Tuy nhiên, tại buổi họp các đơn vị đều “đá bóng trách nhiệm” do vậy hàng chục hộ dân nơi đây càng thêm bức xúc.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Điều - Trưởng thôn 1, đại diện cho các hộ dân thôn 1, thôn 7 có nhà cửa, đất đai bị ảnh hưởng từ việc thi công công trình nạo vét, kè bờ kênh Bồng Tiên chất vấn chính quyền xã, các đơn vị liên quan. Đại diện công ty thủy nông, đơn vị thi công trả lời 6 nhóm vấn để. Tuy nhiên, người dân cho rằng "không đúng trọng tâm, lòng vòng, quanh co" khiến hàng chục người dân bức xúc đồng loạt phản đối.
Đồng thời, ông Điều nhấn mạnh: "Trước khi nạo vét bên Ban quản lý dự án, bên thi công chưa họp dân thông báo cho dân hay niêm yết công khai thiết kế của công trình nạo vét về độ sâu, chiều rộng của lòng sông, các hộ dân liền kề công trình, tập thể cần làm gì, làm thế nào?; chưa kiểm tra kiểm đếm đất ở, nhà cửa, công trình phụ... của các hộ dân, chưa lập biên bản thực trạng lúc chưa nạo vét. Khi tiến hành nạo vét không cắm tiêu cắm mốc...".
Theo thông tin ông Điều và các hộ dân thống kê (chưa đầy đủ) khu vực thi công công trình (đoạn qua thôn 1, 7, 8 xã Vũ Đoài khoảng 1 cây số) có 83 thửa đất ở có chủ, trong đó có 8 ngôi miếu, 71 nóc nhà, 10 thửa đất chưa làm nhà. "Việc nạo vét sông là hợp lý, là công việc thường xuyên của Công ty thủy nông phục vụ cho việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Nhưng khi tiến hành thực thi nạo vét sông, người dân chúng tôi thấy có nhiều điểm sai, gây ô nhiễm môi trường, không hợp lòng dân, tác động xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân chúng tôi...", ông Điều bức xúc.
Trước sự việc trên, đề nghị UBND huyện Vũ Thư cũng như cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cần khẩn trương vào cuộc, kiểm tra làm rõ trách nhiệm các bên có liên quan để đảm bảo quyền lợi, môi trường cuộc sống an lành cho người dân nơi đây.
Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin!