Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam hiện đại và đồng bộ

Hồng Minh|25/03/2020 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 23/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến về dự án xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu nêu những giải pháp về sự phù hợp của các trạm quan trắc với điều kiện Việt Nam, sự đồng bộ giữa mạng lưới trạm của trung ương và địa phương, đưa ra các cơ sở khoa học để quy hoạch, phân bổ lại các điểm quan trắc môi trường không khí giữa trung ương và địa phương, giữa tự động và định kỳ; hiện trạng quản lý, khai thác số liệu của các trạm quan trắc…

Trong những năm gần đây, hoạt động quan trắc tự động ở Việt Nam đã bước đầu được chú ý, góp phần xác định các thay đổi hoặc diễn biến chất lượng môi trường liên tục theo thời gian và không gian; giúp xác định nhanh, phát hiện sớm các vấn đề về chất lượng môi trường, đề xuất các biện pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ môi trường, hỗ trợ công tác hoạch định chính sách.

Ảnh minh họa

Tuy vậy, lĩnh vực quan trắc chưa đáp ứng được nhu cầu dữ liệu phục vụ công tác công bố thông tin, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường do số lượng, quy mô và mật độ các trạm còn thưa và phân bố không đồng đều nên chưa phản ánh được đầy đủ, kịp thời bức tranh về hiện trạng môi trường không khí. Việc ứng dụng các công nghệ quan trắc hiện đại đã triển khai nhưng còn chậm. Công tác duy trì vận hành các trạm tự động gặp nhiều khó khăn.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường, mở rộng, đưa vào vận hành mạng lưới các trạm tự động một cách hợp lý, duy trì hoạt động ổn định, lâu dài nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hệ thống các dữ liệu về chất lượng môi trường không khí, thông tin kịp thời cho các cấp, các ngành, tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí các khu vực.

Về lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị UBND tỉnh/thành phố khi đầu tư, lắp đặt trạm quan trắc tự động lựa chọn thiết bị công nghệ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, tương thích với hệ thống trạm quan trắc quốc gia tự động.

Đồng thời, cần có khung chính sách, pháp lý để quy định và phân rõ chức năng, nhiệm vụ về việc cung cấp các số liệu quan trắc môi trường không khí giữa Trung ương và địa phương; việc cung cấp những số liệu phục vụ đời sống dân sinh cũng như các số liệu kỹ thuật chuyên môn cao phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học để đưa ra những đánh giá, định hướng để phục vụ công tác quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội.

Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam hiện đại và đồng bộ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.